Ăn đồ chay thì kiểu gì cũng dễ ngán vì lạt miệng, không bắt cơm bằng đồ mặn nhưng ai lại có thể chống lại món gỏi chua chua ngọt ngọt lại giòn giòn cơ chứ! Nhưng nhắc tới gỏi thì ai cũng phải thở dài vì nào là ngó sen, củ cải, đậu hũ, xoài… còn phải ướp sao cho giòn, cho thanh mà không bị ỉu.
Hôm nay, minhminh sẽ giới thiệu cho các mẹ hai món gỏi cực kì rẻ, ngon mà lại nhanh cấp tốc trong vòng 2 nốt nhạc, đảm bảo phù hợp với cả những buổi tiệc của người ăn chay lẫn ăn mặn. Hãy cùng đi ra vườn nào!
1. Gỏi rau càng cua chua chua giòn giòn
Nguyên liệu cần có:
- Rau càng cua
- Một trái chanh
- Đậu phộng rang
- Hành lá
- Dầu (nếu là món mặn có thể thay bằng tóp mỡ)
- Muối, đường, tiêu
- Có thể thay tất cả gia vị tạo chua ngọt bằng Dầu giấm Cholimex
Rau càng cua là một nguyên liệu cực dễ tìm, có thể mua ở chợ hoặc ngay hái trong vườn nhà thôi là có cả một rổ to. Nếu nhà các mẹ nào có chậu cây thì có thể rắc hạt ở đó, vài tuần sau là có ăn rồi (nhớ tưới nước cho rau tươi, béo mập thêm giòn và ít hạt nhé)
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Rau càng cua nhặt bỏ hạt, rễ, ngắt đoạn vừa ăn và rửa sạch để vào rổ cho ráo nước.
Thật ra nhặt bỏ hạt là công đoạn mà minhminh ngán nhất vì nhiều lúc rau thiếu nước, hạt cực nhiều mà cọng rau lại bé. Nếu minhminh hái rau tại vườn thì thường nhặt tại chỗ xong bỏ hạt lại chỗ cũ cho tiện.
- Bước 2: Cho dầu vào chảo đun sôi để làm mỡ hành
- Bước 3: Trộn rau càng cua. Cho rau vào thau, vắt nửa trái chanh, nêm ba muỗng cà phê đường, một muỗng cà phê muối, một ít tiêu và mỡ hành vào trộn đều.
- Bước 4: Chờ 5 phút cho thấm đều gia vị rồi vớt ra đĩa, bỏ nước dư. Thêm một ít đậu phộng rang giã sơ, cho lên mặt. Ăn kèm với nước tương tỏi ớt.
Mẹo: Có thể trộn rau càng cua với dầu giấm Cholimex làm sẵn cho nhanh nếu không có thời gian chuẩn bị nguyên liệu.
Mình thường ưu tiên trồng ở nhà cho an toàn. Ở ngoài bán dù rau càng cua rất non, mập nhưng không dám mua vì sợ không biết người ta có xịt thuốc gì không. Trồng chong chậu cây, chậu xốp ở nhà mình thì an toàn hơn và muốn lúc nào thì có lúc ấy ăn liền. Nhiều lúc 8 giờ tối mà ngán cơm, thèm gỏi quá thì mình lại xách đèn pin ra vườn ngồi lặt rau luôn. ORZ
Lợi ích của rau càng cua:
Rau càng cua chứa nhiều chất dinh dưỡng như beta-caroten, can-xi, photpho, protein, vitamin B, C… rất có lợi cho sức khỏe.
Theo Đông y, rau càng cua có tác dụng bổ âm huyết, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, là món ăn bài thuốc rất thích hợp chữa trị chứng nhiệt miệng, viêm họng, táo bón, đau nhức cơ khớp, tiểu đường…
2. Gỏi hoa chuối luộc bùi bùi giàu chất sơ
Nguyên liệu cần có:
- 1 cái hoa chuối (thường là chuối hột hoặc chuối sứ)
- Một trái chanh
- Đậu phộng rang
- Hành lá
- Rau răm
- Dầu (nếu là món mặn có thể thay bằng tóp mỡ)
- Muối, đường, tiêu
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Hoa chuối tách bỏ lớp vỏ già màu tím bên ngoài. Cắt thành 4 phần và luộc trong nước sôi từ 5-10 phút, rồi vớt ra để nguội.
- Bước 2: Sau khi nguội bớt, tách nhỏ các phần ra.
- Bước 3: Cho dầu vào chảo đun sôi làm mỡ hành.
Lưu ý nhớ rút phần nhị hoa cứng trong trái chuối non bỏ đi vì phần đó cứng gây khó nhai và khó tiêu.
- Bước 4: Trộn hoa chuối. Cho hoa chuối đã xé nhỏ vào thau, vắt nửa trái chanh (tùy chanh lớn nhỏ hoặc theo sở thích), nêm ba muỗng cà phê đường, một muỗng cà phê muối, một ít tiêu, rau răm và mỡ hành vào trộn đều.
Lưu ý: Trước khi cho gia vị nên vắt sơ hoa chuối cho ra bớt nước để tránh bị lạt khi trộn gia vị.
- Bước 5: Chờ 5 phút cho thấm đều gia vị rồi vớt ra đĩa, bỏ nước dư. Thêm một ít đậu phộng rang giã sơ, cho lên mặt. Ăn kèm với nước tương tỏi ớt.
Khi dỗ bé kén ăn rau, mình thường nói dụ đây là món gà xé phay chứ không phải rau thì các bé ăn rất ngon lành. Món này nhiều chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng các mẹ đừng cho bé ăn nhiều quá, cũng vì nhiều chất xơ nên sẽ gây chột bụng. Đây cũng là món ăn rất tốt cho các mẹ bầu vì lợi sữa, nhiều chất bổ.
Phần trên nguyên liệu tôi ưu tiên chọn hoa chuối hột hoặc chuối sứ vì theo kinh nghiệm thì hai loại hoa chuối này ít nhựa, ít đắng, khi trộn màu sắc tươi non, đẹp không bị thâm đen. Còn những loại hoa chuối khác thì tôi không rành lắm vì chúng có vị rất đắng, nên tôi sợ có nhiều chất độc, không an toàn. Nên các mẹ hãy lưu ý khi chọn lựa các loại nguyên liệu trong nấu ăn nhé!
Lợi ích của hoa chuối:
Điều trị thiếu máu: Hoa chuối rất giàu chất sắt. Vì vậy, các món ăn từ hoa chuối có thể thúc đẩy việc sản xuất các tế bào máu đỏ, chữa bệnh thiếu máu.
Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Bằng cách điều chỉnh các hormone trong cơ thể của bạn, hoa chuối làm giảm các rối loạn kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều, chảy máu nhiều, đau vùng chậu trong chu kỳ…
Tăng sữa mẹ: Một số chất dinh dưỡng được tìm thấy trong hoa chuối có thể kích thích các ống dẫn sữa ở vú cho người mẹ, qua đó thúc đẩy sản xuất nhiều sữa hơn.
Trị bệnh tiểu đường: Các nghiên cứu chỉ ra rằng hoa chuối có khả năng hạ thấp lượng đường trong máu đến mức độ đáng kể, do đó kiểm soát các triệu chứng của bệnh tiểu đường.
Bảo vệ tử cung: Hoa chuối rất giàu chất dinh dưỡng như sắt, canxi và đồng có tác dụng bảo vệ và ngăn ngừa nhiễm trùng tử cung, do đó cải thiện khả năng sinh sản.
Giảm táo bón: Hoa chuối rất giàu chất xơ, có thể cải thiện nhu động ruột, giúp chất thải đi qua ruột dễ dàng, do đó làm giảm táo bón.
Giảm viêm và nhiễm: Hoa chuối có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, làm giảm tình trạng loét, đau khớp, nhiễm trùng nấm men. Loại hoa này rất hữu ích trong việc giảm viêm và nhiễm trùng trong cơ thể.
Hai món gỏi nay tuy là món chay nhưng để làm món khai vị trong các bữa tiệc thì cũng đủ nức mũi bà con cô bác. Khi mình làm món này cho người nhà thì lúc nào cũng cháy hàng đầu tiên đấy. Thật ra thì nêm gia vị mình chỉ nêm theo khẩu vị thôi chứ không chính xác từng ly từng tí, mong mọi người bỏ qua cho. Quan trọng là khâu chọn nguyên liệu thôi, nhiều lúc chọn rau cũng khiến cho mình rối rắm thiệt nhiều.
Vậy chúc mọi người thành công với 2 món gỏi dân dã này nhé!