Rau muống là một loại rau xanh đặc trưng trong mỗi bữa cơm của người Việt. Với những tác dụng tuyệt vời của nó cùng các phương pháp chế biến truyền thống của người dân bản địa, bài viết xin giới thiệu một vài phương thức chế biến hiệu quả nhằm tăng vị giác ăn uống của mọi người.
Rau muống là một loại thực phẩm hữu ích
Theo các báo cáo khoa học của Medical Health Guide, rau muống hỗ trợ điều trị các vấn đề về gan một cách hiệu quả đặc biệt là bệnh vàng gan nhờ sự có mặt của các chất chống oxi hóa cùng với các enzym giải độc…Trong y học cổ truyền Ấn Độ, rau muống đồng thời được xem như một bài thuốc quý nhờ các tác dụng hỗ trợ điều trị đáng kể của nó. Rau muống được xem rất tốt cho người mỡ máu và tiểu đường nhờ giúp giảm lượng cholesterol tự nhiên trong máu. Hàm lượng chất sắt, vitamin A, C, Beta carotene, chất xơ ở mức tương đối cũng được các nhà khoa học đánh giá cao ở loại rau này. Với một vài tác dụng tuyệt vời như vậy, rau muống ngày càng được sử dụng phổ biến trong mọi bữa ăn của người Việt.
Phân loại rau muống cho mục đích nấu nướng
Rau muống có hai loại:
Một là rau muống đỏ, được trồng trong điều kiện ngập nước, ven sông suối, ao hồ phát triển quanh năm nhưng mùa đông thì cây phát triển chậm lại. Rau muống đỏ, cọng và lá đều to có thể lựa chọn để luộc và muối dưa chua đều rất ngon.
Loại còn lại, là rau muống trắng, được trồng chủ yếu trên cạn, theo mùa, trời càng lạnh thì cây càng khó phát triển. Rau muống trắng thích hợp cho các món xào, nấu canh, làm nộm và nhiều món khác nữa.
Tùy vào đặc tính và mục đích chế biến, người nột trợ có thể dễ dàng chọn lựa cho mình loại rau phù hợp.
Các món ăn từ rau muống
1.1 Rau muống luộc
Trong ẩm thực của người Việt, món luộc chứa một vị trí quan trọng trong bữa ăn, đặc biệt là rau luộc. Tuy được chế biến đơn giản, không phức tạp, tiết kiệm thời gian, xong rau luộc luôn được đánh giá cao trong mâm cơm. Đối với rau muống, các thao tác của người nội trợ hay người đầu bếp dừng lại ở một vài thao tác cơ bản, xong để rau được ngon mắt và kích thích được vị giác thì không phải ai cũng làm được.
Để luộc được rau muống trông tươi mắt, chúng ta cần:
- 1 bó rau muống 300 – 400 gram
- 1/3 thìa cà phê muối biển
- 1/3 thìa cà phê bột ngọt
- 1,5 lít nước
Cách làm:
- Rau muống sau khi mua về, đem nhặt sạch, ngắt đoạn vừa ăn tầm 5 – 7 cm, ngâm và rửa trong nước muối pha loãng 15 phút. Đem 1,5 lít nước đun sôi đều, sau đó cho rau vào luộc. Trong lúc luộc nên mở vung nồi, thì rau sẽ xanh và đẹp mắt hơn. Chúng ta lưu ý, nên cho một chút muối biển và bột ngọt vào nồi rau luộc, sau đó đảo qua 1 – 2 lần, thấy rau chín tới thì vớt ra rá để ráo.
- Rau muống luộc thích hợp với nhiều loại nước chấm. Đa số người ăn chay đều dùng nước tương để thay cho nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, mắm tỏi vẫn được xem là ngon cơm hơn cả, bởi thế một bát mắm tỏi có pha thêm chút đường, ớt vẫn là sự lựa chọn tuyệt vời. Đối với người dân Nam Bộ, việc nấu một nồi kho quẹt ăn kèm với rau luộc thực sự quá đã và nếu có thời gian thì chúng ta cũng nên thử. Tôi đảm bảo, không lãng phí một giây nào của bạn đâu
1.2 Canh rau muống
Nhằm thoát khỏi mùa hè oi nóng ở miền Bắc, nhiều người nội trợ đã luôn phải tìm kiếm các giải pháp nấu nướng hiệu quả nhằm giải nhiệt cơ thể. Món canh là thứ không thể thiếu trong mâm cơm của hầu hết các gia đình mùa này. Canh rau muống cũng được liệt kê vào danh sách các món ăn giải nhiệt mùa hè một cách xuất sắc.
Rau muống có thể nấu chung với nhiều loại thực phẩm, ví dụ như ngao, sò, cua đồng, cáy, bề bề, tôm…Ở đây, tôi xin hướng dẫn các bạn nấu canh rau muống với ngao rất ngọt miệng.
Để nấu được một nồi canh rau muống với ngao rất đơn giản, chúng ta cần một số nguyên liệu sau:
- 1 bó rau muống 300- 400 gram
- 1 kg ngao
- 1 thìa cà phê hạt nêm
- 1 thìa cà phê bọt ngọt
- 2-3 trái chanh hoặc quất.
Cách làm:
- Rau sau khi đã nhặt sạch, đem đi rửa với nước và vặt đôi vừa bằng chiều dài lòng bàn tay. ̣Lưu ý: rau nấu canh khác với rau luộc ở chỗ, phải vặn rau để rau mềm và không chát. Điều này là rất cần thiết.
- Ngao rửa sạch, đem luộc chín tới. Sau đó, đem tách ruột còn nước gạn lấy phần trong để nấu canh.
- Cho ruột ngao vào phần nước luộc ngao đã được gạn trong cho lên bếp đun sôi. Nước ngao nên để từ 1,3 – 1,5 lít, nếu ít, có thể bổ sung thêm nước vào. Sau khi nước ngao sôi đều, cho rau muống vào đảo đều. Rau chín tới thì cho hạt nêm, mì chính vào sao cho vừa ăn rồi tắt bếp.
- Rau muống vị vị nhạt, tính mát, khi ăn nên bổ sung một chút chanh, quất cho vị chua chua, thanh thanh rất dễ ăn
2.3 Rau muống xào tỏi
Rau muống xào tỏi là món ăn có thể gây nghiện…Nói vậy, có vẻ hơi phi lí nhưng đúng là như vậy. Tại một số nhà hàng hay quán ăn bình dân, rau muống xào tỏi được xem như là thực đơn không thể thiếu và vô cùng đắt khách. Rau muống xào tỏi, hay rau muống xào thịt bò, rau muống xào thịt trâu…quả thực rất ngon.
Để làm món rau muống xào tỏi, chúng ta cần:
- 1 bó rau muống 300 – 400 gram
- 2 củ tỏi
- 5 thìa cà phê dầu ăn hoặc mỡ lợn
- 1 thìa cà phê bột nêm
- 1 thìa cà phê bột ngọt
- 2 thìa cà phê dầu hào
Cách nấu:
- Rau muống ngắt đoạn vừa ăn tầm 5 cm, loại bỏ phần hư, lấy thân và lá non. Nên chọn rau muống trắng, loại cọng nhỏ, ít lá để xào tỏi.
- Đầu tiên là làm nóng chảo, đổ dầu hoặc mỡ lợn vào cho tới khi dầu già và nóng đều.
- Tiếp theo là đổ phần tỏi đã được băm nhuyễn, phi thơm tầm 1 phút. Sau đó, cho rau muống vào đảo nhanh tay trên ngọn lửa to. Khi gần được, cho dầu hào, hạt nêm, bột ngọt vào đảo nhanh tay và tắt bếp.
- Rau muống xào tỏi thích hợp ăn nóng. Để nguội rau bớt ngon và màu sắc không còn hấp dẫn như lúc đầu nữa.
1.4 Rau muống muối chua ngọt
Rau muống muối chua ngọt là một trong những món dưa kích thích vị giác, ăn rất ngon và cách làm cũng không quá khó.
Để làm món rau muống muối chua ngọt chúng ta cần:
- 500 gram rau muống đỏ đã nhặt hết phần lá
- 30 gram tỏi
- 30 gram hành tím
- 5 trái ớt cay
- 1 thìa cà phê muối
- 150 gram đường
- 1 chai dấm nếp, hoặc dấm thanh.
- 1 hũ thủy tinh nhỏ để đựng
Cách làm món ăn này cũng không quá phức tạp:
- Rau muống đồng sau khi đã nhặt hết phần lá đem ngâm và rửa với nước muối pha loãng cùng một ít dấm để cho phần rong rêu bám trên thân trôi hết đi.
- Cho tiếp 200 ml dấm trắng vào nước để ngâm rau trong khoảng 1 tiếng đồng hồ để rau giòn hơn.
- Sau một tiếng chúng ta vớt rau muống ra và trần rau muống qua nước đun sôi.
- Trong lúc chờ nước sôi thì chúng ta chuẩn bị một thau nước đá lạnh. Rau sau khi trần sơ qua để cho nó ngả sang màu xanh thì chúng ta vớt ra cho sang thau đá lạnh. Rau sẽ được để trong thau đá lạnh tầm 10 phút thì lấy ra cắt khúc vừa ăn, tầm 5 cm. Lưu ý, để cho rau thật ráo nước trước khi cho vào muối dưa chua.
- Tỏi và hành đem cắt lát, còn ớt thì loại phần cuống và giữ nguyên phần thân ớt.
- Tiếp theo, chúng ta đun sôi 500 ml nước trắng, đồng thời cho thêm 1 thìa cà phê muối và 150 gram đường. Để rau muống có vị chua chúng ta cho vào nồi 200 ml dấm. Lưu ý, cần đun sôi dấm tầm 5 phút để cho dấm bay bớt mùi dấm.
- Để hỗn hợp nước dấm, đường, muối nguội tầm 40 – 50 độ C, sau đó chúng ta đổ tỏi, hành, ớt vào cho hỗn hợp dậy mùi thơm.
- Cuối cùng, chúng ta xếp rau vào hũ thủy tinh và đổ hỗn hợp nước dấm vào, đậy nắp và để vào chỗ mát trong nhà bếp tầm 3 – 4 ngày là có thể mang ra sử dụng.
- Với cách làm này, dưa rau muống vàng giòn tự nhiên, không cần sử dụng phèn chua mà dưa ăn rất ngon.
4 món ngon đơn giản từ rau muống mà mình giới thiệu trên đây hi vọng sẽ giúp ích cho mâm cơm của gia đình bạn mỗi ngày. Nếu hay hãy share nó cho bạn bè của bạn, mẹ bạn hay người thân của bạn nhé!