Thực phẩm chính là vị thuốc chữa bệnh tốt nhất, mỗi loại thực phẩm đều có giá trị dinh dưỡng riêng, có tác dụng bồi bổ cơ thể và hỗ trợ trị bệnh. Hôm nay, monngondongian.com sẽ gợi ý cho bạn 10 món canh người bị thiếu máu nên ăn, vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng, cách nấu cũng đơn giản không tốn nhiều thời gian.
Người bị thiếu máu thường có những triệu chứng như: đau đầu, hoa mắt, ù tai, hay quên, chán ăn, tim đập nhanh, hơi thở gấp, dễ mỏi mệt, thiếu tập trung, phụ nữ kinh nguyệt không đều. Lúc này trong cơ thể người bị thiếu máu có lượng huyết sắc tố và hồng cầu trong máu thấp hơn trạng thái bình thường. Nguyên nhân gây ra thiếu máu là do tạo máu không tốt, hồng cầu bị vỡ quá nhiều,…
Tình trạng này có thể được cải thiện bằng cách chú ý thực đơn món ăn hàng ngày. Những món canh dưới đây có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiệt lượng cao, lại giàu protein, có hàm lượng muối hữu cơ phong phú, quả thực sẽ giúp cơ thể hồi phục chức năng tái tạo máu.
1/ Canh đậu phụ, tiết lợn
Trong tiết lợn có hàm lượng sắt tương đối cao, cơ thể hấp thụ dễ dàng, do đó món canh này sẽ phòng trừ được bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
- Nguyên liệu:
+ Đậu phụ 250g
+ Tiết lợn 350g
+ Táo đỏ 10 quả
+ Gia vị: dầu ăn, muối, gừng, hành hoa.
- Cách làm:
+ Rửa sạch táo đỏ, ngâm mềm để sẵn.
+ Đậu phụ, tiết lợn rửa sạch, thái lát dày khoảng 3cm.
+ Cho đậu phục, tiết lợn, táo đỏ, gừng vào nồi. Đổ thêm khoảng 700ml nước, hầm nửa tiếng. Cho dầu ăn, nêm muối vừa ăn, rắc hành hoa lên trên
+ Bày ra tô, ăn kèm với cơm.
2/ Canh táo đỏ, đậu xanh
Táo đỏ có hàng loạt ích lợi cho cơ thể như: bổ máu, tăng cường thể lực, mạnh khỏe cơ bắp, bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần. Vì vậy, những ai thường xuyên bị căng thẳng thần kinh, lo lắng, khí huyết kém, thiếu máu nên bổ sung các món ăn có táo đỏ.
- Nguyên liệu:
+ Đậu xanh 150g
+ Táo đỏ 10 quả
+ Gia vị: đường đỏ lượng vừa đủ.
- Cách làm:
+ Đậu xanh rửa sạch, cho vào nước sạch ngâm chừng 3 giờ đồng hồ.
+ Táo đỏ rửa sạch, ngâm 15 phút, để ráo.
+ Cho đậu xanh, táo đỏ vào nồi, đổ lượng nước vừa phải, đun sôi bằng lửa to trong vòng 5 phút. Sau đó chuyển lửa nhỏ liu riu hầm cho đến khi đậu xanh nứt ra, cho đường đỏ vào nấu cho đến khi đường hòa tan hết là được.
3/ Canh gan lợn nấu nấm
- Nguyên liệu:
+ Gan lợn 400g
+ Nấm kim châm 200g
+ Nấm đùi gà 150g
+ Gia vị: muối, xì dầu, bột tiêu, tinh bột, rượu gia vị mỗi loại một ít, hành, gừng thái nhỏ.
- Cách làm:
+ Gan lơn thái lát mỏng, dùng xì dầu, rượu gia vị, tinh bột, bột tiêu ướp trong 5 phút.
+ Nấm kim châm cắt rễ, rửa sạch, nấm đùi gà rửa sạch thái lát.
+ Cho nước vào nồi đất, cho gan lợn đã ướp sẵn, nấm kim châm, nấm đùi gà, gừng vào đun sôi. Sau đó, chuyển lửa nhỏ, hầm trong 20 phút. Cuối cùng, cho muối, bột tiêu vào nêm vừa ăn. Rắc hành hoa bày ra tô thưởng thức.
4/ Canh gà ác tứ vị
- Nguyên liệu:
+ Gà ác một con, đương quy, bạch thược, thục địa, đảng sâm mỗi loại 10g.
+ Gia vị: rượu gia vị, muối, mì chính, hành hoa, gừng.
- Cách làm:
+ Gà ác sau khi bỏ nội tạng, rửa sạch qua với muối, chặt miếng vừa ăn.
+ Rửa sạch đương quy, bạch thược, thục địa, đảng sâm. Sau đó thái lát, cho vào túi vải sạch, buộc lại.
+ Cho gà ác, túi thuốc vào nồi đất, đổ nước vừa phải. Đun sôi lửa to. Hớt bọt, cho thêm rượu gia vị, hành hoa, bột gừng. Chuyển lửa nhỏ liu riu hầm trong 1 tiếng rưỡi.
+ Vớt bỏ túi thuốc, tiếp tục hầm cho đến khi thịt gà chín mềm nhừ, cho thêm muối, mì chính vừa ăn.
5/ Canh gan lợn nấu cà rốt
- Nguyên liệu:
+ Cà rốt, gan lợn, gan gà, tiết lợn mỗi loại 100g
+ Gia vị: dầu ăn, rượu gia vị, muối, mì chính, hành, gừng.
- Cách làm:
+ Rửa sạch Gan lợn, gan gà rồi thái lát, cho muối, rượu gia vị, gừng, hành vào ướp 15 phút.
+ Rửa sạch Cà rốt, bỏ vỏ, thái lát.
+ Rửa sạch tiết lợn, thái khúc vừa ăn.
+ Cho dầu ăn vào nồi đun nóng, cho cà rốt, gan lợn, gan gà, tiết lợn vào xào qua, sau đó cho một lượng nước vừa đủ vào nồi, đun cho đến khi chín hoàn toàn. Nêm muối, mì chính vừa ăn là được.
6/ Canh thịt viên nấu tảo tía
- Nguyên liệu:
+ Tảo tía 50g
+ Thịt lợn 300g
+ Thịt bò 300g
+ Rau cải ngọt 50g
+ 2 Lòng trắng trứng
+ Gia vị: muối, mì chính, dầu thơm.
- Cách làm:
+ Tảo tía ngâm nước và rửa sạch.
+ Rửa scáh, để ráo rau cải ngọt.
+ Thịt lợn, thịt bò rửa sạch băm nhuyễn, cho một ít muối và lòng trắng trắng vào trộn đều. Sau đó viên lại thành những viên tròn đều nhau.
+ Cho nước vào nồi, cho tảo tía, thịt viên vào đun 5 phút. Nêm gia vị vừa ăn. Cho cải ngọt vào đun sôi lại lần nữa là được.
7/ Canh gà hầm mộc nhĩ
- Nguyên liệu:
+ Gà ta 600 g
+ Mộc nhĩ khô 60 g
+ Đảng sâm 10 g
+ Hoài sơn 10 g
+ Gia vị: muối, mì chính, bột tiêu, gừng, hành
- Cách làm:
+ Gà làm sạch lông và nội tạng, sau khi rửa sạch chặt thành miếng. Trụng qua nước sôi để hết nước đỏ.
+ Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch để ráo nước.
+ Cho gà, mộc nhĩ, gừng, hành, đảng sâm, hoài sơn vào nồi đất, đổ lượng nước vừa ngập gà. Đun lửa to cho sôi, sau đó chuyển sang hầm nhỏ lửa trong 3 giờ đồng hồ. Cuối cùng nêm nếm các gia vị cho vừa miệng là được.
8/ Canh dâu, long nhãn
Món này nghe khá lạ tai, canh dâu long nhãn là một món ngon có vị ngọt, có tác dụng bổ huyết bổ hư. Quả dâu có tác dụng bổ gan thận, bổ huyết sinh nước. Long nhãn giúp bổ ích tâm tì, dưỡng huyết an thần, là loại thực phẩm chủ trị khí huyết không đủ, huyết hư khô héo, hay quên mất ngủ…
- Nguyên liệu:
+ Long nhãn 10 quả
+ Quả dâu 60g
+ Gia vị: mật ong
- Cách làm:
+ Cho long nhãn vào nước ngâm một lúc.
+ Dâu rửa sạch để sẵn.
+ Cho long nhãn và dâu vào nồi, cho lượng nước vừa đủ vào nấu.
+ Khi long nhãn nở, đổ ra tô. Đợi nguội, cho mật ong vừa đủ vào trộn đều là có thể uống được.
9/ Sữa đậu nành nấu quẩy
- Nguyên liệu:
+ Sữa đậu nành 200 ml
+ Rau cải muối 50 g
+ Tôm khô 10 g
+ Tảo tía 10 g
+ Quẩy 1 chiếc
+ Hành hoa
- Cách làm:
+ Rau cải muối miếng dài, quẩy cắt thành miếng nhỏ.
+ Tảo tía xé vụn, ngâm trong nước sạch cho tảo nở ra.
+ Hành hoa rửa sạch, thái nhỏ.
+ Cho quẩy, tôm khô, tảo tía, cải muối, hành hoa vào 1 cái tô to.
+ Sữa đậu nành đun nóng cho vào tô, khuấy đều là có thể ăn được.
Món này có rau cải muối đã mặn nên bạn có thể không cần cho thêm muối.
10/ Canh sườn bò hầm táo đỏ, nhân sâm
- Nguyên liệu:
+ Sườn bò 450g
+ Miến 50g
+ Nhân sâm thái lát 15 g
+ Táo đỏ 6 quả
+ Gia vị: muối, bột tiêu, hành lớn 1 cây
- Cách làm:
+ Rửa sạch sườn bò, chặt miếng dài 2cm, chần qua nước sôi trong 3 phút, vớt ra rửa lại sạch.
+ Hành thái nhỏ. Rửa sạch táo đỏ và nhân sâm.
+ Miến ngâm cho mềm, để sẵn ra rổ.
+ Đun nước sôi to, rồi cho sườn bò, nhân sâm, táo đỏ vào hầm. Chú ý hầm nhỏ lửa cho đến khi sườn bò chín mềm. Cho miến, hành, nêm nếm muối, tiêu, hành cho vừa ăn và dậy mùi thơm là có thể thưởng thức.
Nên bổ sung các loại thức ăn nào giúp bổ máu?
Ngoài các món canh bổ máu ở trên, những người bị thiếu máu nên bổ sung các loại thức ăn sau để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Quy tắc chung là nên ăn các loại thực phẩm GIÀU CHẤT SẮT VÀ CÁC VITAMIN hỗ trợ việc sản xuất HEMOGLOBIN VÀ HỒNG CẦU. Có 2 loại chất sắt trong thức ăn hàng ngày là sắt heme và sắt nonheme. Cơ thể chúng ta có thể hấp thụ cả 2 loại này, nhưng sắt heme thì được hấp thụ dễ dàng hơn.
+ Sắt heme có trong thịt gia cầm, gia súc và hải sản.
+ Sắt nonheme có trong thực vật và thực phẩm tăng cường sắt.
1/ Thịt gia súc và gia cầm
Thịt đỏ, thịt cừu, thịt nai đều là nguồn cung cấp heme tốt nhất. Thịt gà, thịt vịt có lượng heme thấp hơn một chút. Bạn nên ăn kèm thịt với rau màu xanh đậm như rau chân vịt, cải xanh… để tăng sự hấp thụ sắt của cơ thể.
2/ Hải sản tôm cá
Hầu hết cá đều chứa sắt như: cá mòi, cá ngừ, cá hồi tươi, cá rô phi, cá tuyết. Các loại thực phẩm như sò, trai, tôm cũng là nguồn cung chất sắt tốt cho cơ thể.
3/ Gan, tiết lợn, tim lợn
Gan gà, gan lợn là cơ quan nội tạng giàu sắt và folate nhất. Ngoài gan, bạn có thể bổ sung thêm các món ăn có tim, thận và lưỡi bò.
4/ Rau xanh có màu đậm, nhiều lá
Các loại rau màu xanh đậm, nhiều là chứa lượng sắt nonheme cao có lợi cho những bệnh nhân thiếu máu. Bạn nên bổ sung các loại rau như: rau chân vịt, rau cải xoăn, rau cải cầu vồng,…
Rau cải cầu vồng chứa folate giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu folate.
Tuy nhiên các loại rau này lại chứa hàm lượng oxalat cao, đây là chất ngăn cản cơ thể hấp thụ nonheme. Do đó, bạn nên ăn rau xanh cùng với các thực phẩm chứa vitamin C như cam, ớt đỏ, dâu tây để giúp dạ dày hấp thụ sắt dễ dàng hơn.
5/ Các loại đậu, hạt
Đậu và hạt cung cấp lượng sắt cần thiết cho cả người ăn chay và ăn mặn. Ví dụ như: đậu xanh, đậu đen, đậu nành, đậu hà lan, hạt điều, hạt bí, hạt hướng dương…
6/ Các loại thực phẩm tăng cường
Nước cam, ngũ cốc ăn liền, bánh mì trắng, gạo trắng, bột ngô.
Người bị thiếu máu nên kiêng kị ăn gì?
Dù bạn có thích và thèm ăn đến mấy, cũng không được ăn những món này khi đang bị thiếu máu để tránh diễn biến bệnh xấu đi:
- Không nên ăn đồ rán nhiều dầu mỡ, mã thầy, tỏi, rong biến, cà rốt sống, rượu trắng, hoa cúc, lá sen, trầu.
- Thực phẩm đóng hộp
- Món ăn ngọt chứa nhiều thành phần hóa học
- Rượu bia