Vịt là loại gia cầm phổ biến ở nước ta và mang đến nhiều món ăn hấp dẫn.Tuy nhiên nhiều người vẫn không biết vịt làm món gì ngon để chiêu đãi cả gia đình.Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn bổ sung thêm nhiều món ăn từ thịt vịt trong cẩm nang nội trợ của mình
Giá trị dinh dưỡng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt vịt có chứa lượng lớn protein, sắt, canxi, phot pho, vitamin A, vitamin B1, vitamin D… cần thiết cho sức khỏe và quá trình tăng cân. Chính vì thế, ăn thịt vịt rất có lợi cho sức khỏe.
Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn, tác dụng tư âm, dưỡng vị, lợi thủy tiêu thũng, giải độc. Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị).
Ăn thịt vịt có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít,…
Tác dụng của thịt vịt đối với sức khỏe
Tốt cho dạ dày
Thịt vịt có lợi cho dạ dày, giúp làm tiết ra dịch mới và tốt cho hệ thần kinh. Sách “Nhật dụng bản thảo” của Trung Quốc viết: “Vịt bổ phần âm của ngũ tạng, bổ máu, bổ dạ dày, giải nhiệt, làm hết giật mình, kinh sợ, giúp nuôi dưỡng dạ dày, sinh tân dịch, trấn định tâm thần…” và “Thịt vịt trừ nhiệt bổ hư, bổ phủ tạng, làm lợi cho sự vận động của nước trong cơ thể”.
Tốt cho tim mạch
Hội Tim mạch Mỹ cũng đã công nhận tác dụng vượt trội khi ăn thịt vịt. Xét về giá trị dinh dưỡng, thịt vịt có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Trong 100g thịt vịt có đến 25g chất protein, 201 calorie và hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, lipit, protit, phospho, kẽm, magie đồng axit nicotic khỏe, các vitamin B, A, E, K…
Thịt vịt còn cung cấp một lượng nhỏ omega-3 và axit béo omega-6 góp phần làm cho trái tim khỏe.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ cũng lưu ý rằng lượng cholesterol có trong thịt vịt là khá cao, cứ mỗi 1kg thịt vịt thì có khoảng 25mg cholesterol. Ngoài ra thịt vịt cũng có nhiều chất béo bão hòa.
Vì vậy, khi ăn thịt vịt bạn nên ăn từng phần nhỏ và chỉ nên ăn phần ngực, không nên ăn da và những phần nhiều mỡ, điều này sẽ giúp bạn giảm hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol.
Chống lại hiện tượng xơ vữa động mạch
Trong máu của các loại gia cầm, nhất là loài vịt thường có rất nhiều acid oleic và nhiều thành phần tương tự giống dầu ôliu nên có thể chống lại hiện tượng xơ vữa động mạch.
Tốt cho người suy nhược cơ thể sau bệnh
Thịt vịt có vị ngọt, tính mát nên tăng cường ăn thịt vịt có thể giúp khắc phục tình trạng tăng huyết áp, ù tai, váng đầu, chóng mặt, ho khan, ít đờm, lao phổi, ho do phế âm hư, bổ huyết, sinh tân dịch (tạo nước)… ở những người bị suy nhược cơ thể sau bệnh.
Cách chọn vịt ngon
– Vịt đang vào mùa. Trong những ngày này, vịt bắt đầu béo lên, thịt rất ngon và thơm. Tuy nhiên, khi đi mua, chị em cũng cần phải lựa chọn để có được những con vịt ngon nhất có thể để làm bữa cho gia đình.
– Khi mua, chị em nên chọn những con vịt trưởng thành và béo, ức tròn, da cổ và da bụng dày, mọc đủ lông (điểm mút của hai cánh vừa đủ đan chéo vào nhau). Những con vịt này làm lông sẽ nhanh, không tốn thời gian.
– Hạn chế chọn vịt non vì thịt sẽ nhão, không săn chắc và rất tốn thời gian để nhổ lông tơ (lông măng). Quan sát những con vịt non sẽ thấy, có mỏ to và mềm. Còn vịt già, bạn quan sát kỹ sẽ thấy nó có mỏ nhỏ và cứng.
– Vịt đã đẻ nhiều lứa thịt cũng khá thơm. Loại vịt này thì bụng dưới xệ xuống. Khác với gà nếu ăn thịt vịt thì nên chọn vịt đực, vì vịt đực ăn ngon hơn vịt cái.
– Để xem vịt khỏe mạnh hay bệnh, chị em hãy vạch phía sau đuôi xem hậu môn vịt không bị dính phân chảy là vịt không bị bệnh.
Nói chung, cách chọn vịt cũng không quá khó, bạn nên chọn con vừa trưởng thành, không quá non hoặc quá già để vừa có món ăn ngon mà khâu sơ chế cũng thuận tiện, dễ dàng.
Cách khử mùi hôi của vịt
Thịt vịt thường có mùi hôi vì thế, trong quá trình nấu, nếu không biết cách khử mùi, món thịt vịt sẽ mất đi phần hấp dẫn.
Để món vịt không bị hôi, trước khi luộc chị em nên bóp với chút muối, tiêu, gừng đập dập, có thể cả chút rượu trắng, để chừng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo, đem luộc. Cho một mẩu gừng đập dập vào nồi luộc. Như vậy vịt sẽ hết mùi hôi mà món vịt của bạn luôn thơm ngon, hấp dẫn.
Các món ăn chế biến từ thịt vịt
1.Vịt om sấu
Nguyên liệu:
- 1 con vịt đã làm sạch lông và lòng.
- 10 quả sấu xanh.
- 0,5kg khoai sọ loại cụ nhỏ.
- 5 củ hành khô, bóc vỏ.
- 1 củ tỏi.
- 5 củ sả.
- 10 lá mùi tàu, 1 nắm nhỏ hành lá.
- Gia vị nêm nếm cho vịt om sấu: Nước mắm, hạt tiêu, muối, ớt, gừng.
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Do loài gia cầm này thường có mùi hôi nên sau khi làm lông, bạn hãy dùng muối chà sát kĩ bên trong và bên ngoài con vịt. Sau đó, bạn tiến hành xả nước để làm sạch vịt hoàn toàn nhé.
- Chặt vịt thành từng khúc. Các bạn nên lựa chặt vịt thành những miếng nhỏ vừa ăn nhé
- Sấu cạo sạch vỏ, khứa vài đường bên ngoài rồi ngâm trong bát nước.
- Bóc vỏ khoai sọ. Bạn hãy cho khoai vào nồi nước luộc khoảng 5 phút rồi đổ ra chậu nước lạnh. Sau đó, đợi khoai nguội dần bạn hãy bóc vỏ chúng nhé. Đây là cách giúp chị em bóc vỏ khoai sọ nhanh nhất mà không bị ngứa tay.
- Hành lá, mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ.
- Tỏi, hành khô, sả đập dập, bằm nhỏ.Bước 2: Tiến hành làm món vịt om sấu
- Ướp thịt vịt: Lấy ⅓ muỗng canh muối, ½ muỗng canh hạt tiêu, 1 thìa cà phê hạt tiêu cùng ½ phần tỏi, sả, hành khô đã chuẩn bị để ướp thịt vịt. Thời gian ướp thịt vịt khoảng 30 – 40 phút là hợp lý.
- Trong lúc đợi thịt vịt ngấm gia vị, bạn hãy phi thơm vàng phần tỏi, hành, sả còn lại nhé
- Cho thịt vịt, sấu vào nồi rồi đổ nước cho ngập thịt. Một số người còn thực hiện cách nấu vịt om sấu bằng nước dừa tươi để món ăn thơm hơn. Bạn đun thịt vịt với lửa vừa nhé.
- Khi thấy nồi thịt bắt đầu sôi đều, bà nội trợ nhanh chóng cho khoai sọ vào. Chỉ cần nấu khoảng 10 – 15 phút là khoai sọ đã chín mềm.
- Để món vịt om sấu khoai sọ không bị nát, chị em nhớ kiểm tra nồi thường xuyên nhé.
2. Vịt nướng mật ong
Nguyên liệu:
- Thịt vịt: 1,5 kg
- Mật ong: 3 thìa cà phê
- Chanh: 1 quả
- Hành khô: 1 củ
- Tỏi: 1 củ
- Đường: 2 thìa cà phê
- Bột bắp: ½ thìa cà phê
- Nước mắm Nam Ngư, 1 thìa, gia vị, mì chính
- Dụng cụ: Lò nướng
Quy trình thực hiện:
- Thịt vịt rửa sạch, để ráo, khía chéo theo miếng thịt để cho thịt ngấm gia vị và nướng mau chín.
- Hành khô bóc vỏ băm nhỏ; tỏi bóc vỏ, băm nhỏ, bớt lại ½ số tỏi để làm nước chấm, số còn lại cùng với hành khô băm nhỏ cho vào ướp vịt cùng với mật ong, gia vị khoảng 30 phút.
- Bạn pha 1 thìa cà phê đường, ½ quả chanh với và một chút nước khuấy đều. Sau khi vịt ướp ngấm gia vị, bạn dội chút nước sôi lên bề mặt da vịt, sau đó rưới đều hỗn hợp nước chanh, đường lên bề mặt da vịt để da được bóng và giòn.
- Chuẩn bị lò nướng ở nhiệt độ 250 độ C, cho vịt vào khay bỏ vào lò nướng trong vòng khoảng 75 phút.
- Trong khi nướng, bạn cố gắng lót một lớp giấy bạc ở phía dưới khay hứng dầu để lúc vệ sinh lò sẽ dễ hơn và không bị bốc mùi cháy.
- Làm nước chấm:Trong khi đợi vịt nướng, lấy bát hòa nước mắm, gia vị, 1 thìa cà phê đường còn lại cùng với bột bắp và chút nước khuấy tan; cho một chút dầu ăn vào xoong nhỏ phi thơm chỗ tỏi còn lại, sau đó đổ hỗn hợp nước chấm vào đun sôi sánh lại rồi đổ ra bát, khi nước sốt nguội thì vắt ½ quả chanh vào khuấy đều.
3. Vịt kho gừng
Nguyên liệu:
- Nửa con vịt cỡ vừa
- 4 nhánh tỏi
- 3 củ hành tím
- 1-2 quả ớt khô
- Một mẩu gừng khoảng 4cm
- Hạt nêm, nước mắm, nước hàng
Quy trình thực hiện:
- Hành, tỏi băm nhỏ. Gừng thái sợi nhỏ. Dùng 1/2 chỗ gừng để bóp với vịt cho hết mùi, sau đó chặt vịt thành miếng vuông vừa ăn, ướp với 1/2 lượng hành, tỏi, gừng còn lại.
- Làm nóng chảo với chút dầu ăn, cho vịt vào áp chảo phần da vịt cho bớt mỡ. Khi da vịt vàng và hơi xém thì bạn lấy ra tô. Làm nóng nồi kho thịt với ít dầu ăn, cho nốt chỗ hành, tỏi, gừng và ớt và phi thơm.
- Trút thịt vịt vào đảo đều. Khi thịt vịt săn lại thì bạn chế nước xâm xấp mặt thịt, thêm 1 muỗng cafe nước màu cùng 2 muỗng canh nước mắm rồi đun to lửa tới khi sôi bùng thì bớt xuống lửa nhỏ, đậy vung đun tiếp.
- Kho đến khi nước cạn còn 1/2 thì bạn nêm nếm lại cho vừa ăn. Đậy vung đun tiếp đến khi nước kho thịt gần cạn hết thì bạn tắt bếp, rắc hành lá và tiêu hạt tùy thích. Lấy thịt vịt kho gừng ra bát, dùng với cơm nóng.
4. Vịt nấu chao
Nguyên liệu:
– Chao trắng
– Chao đỏ
– Khoai môn: 300g
– Nước dừa: 1 quả
– Bún: 1 kg
– Rượu trắng
– Gừng, chanh
– Hành lá, rau xà lách
– Rau muống, rau cải
– Mắm, muối, bột canh, hạt nêm, hạt tiêu
– Hành, tỏi khô, ớt
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Rau muống, cải, xà lách nhặt bỏ lá úa, sâu rồi rửa sạch, vớt ra để ráo nước. Với khoai môn thì bạn đem gọt vỏ, rửa sạch rồi thái theo kích thước vừa ăn. Hành tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
– Vịt rửa sạch, chặt thành từng miếng vừa ăn. Khi làm vịt cần phải cắt bỏ phần hôi ở dưới phao câu cho thật sạch, rồi lấy rượu trắng với gừng băm nhỏ trộn đều rồi chà vào những miếng thịt vịt, khử đi mùi hôi tanh của vịt để khoảng 15-20 phút sau đó đem rửa lại cho thật sạch và để ráo nước.
Bước 2: Ướp thịt vịt
– Ướp thịt vịt với gừng, hành, tỏi khô băm nhỏ, thêm chao đỏ, chao trắng, đường, hạt nêm, muối, hạt tiêu rồi trộn đều để khoảng 1 – 2 tiếng cho thịt ngấm gia vị. Vì chao mặn nên khi nấu chỉ cần cho vừa gia vị.
Bước 3: Tiến hành nấu vịt
Bắc nồi lên bếp đun nóng dầu phi thơm tỏi rồi cho hỗn hợp thịt vịt ướp vào đảo đều, xào cho săn miếng thịt lại, đun nhỏ lửa khoảng 15 – 20 phút. Sau đó đổ nước dừa vào nồi cho ngập miếng thịt vịt, đun sôi, khi nước cạn một chút thì cho nước vào đun đến khi miếng thịt mềm thì đổ khoai vào đun cùng đến khi khoai mềm nhừ, thì nêm nếm lại gia vị vừa ăn. Cho thêm hành lá thái nhỏ vào trước khi tắt bếp.
Bước 4:Pha nước chấm ăn vịt nấu chao
Tiến hành pha nước chấm với công thức như sau: 5 miếng chao + 1 muỗng nước cốt chanh + 2 thìa cafe đường đánh đều hỗn hợp trên rồi cho thêm tỏi, gừng băm nhỏ, vài lát ớt. Dùng chấm thịt vịt ăn kèm với bún và rau.
Lưu ý khi làm vịt nấu chao
– Cách chọn vịt: Bạn nên chọn vịt xiêm hoặc vịt cỏ loại vịt này có nhiều thịt và ít mỡ (vịt nuôi thịt thường mềm và nhiều mỡ), chọn con vịt có cân nặng vừa nếu vịt quá non ăn sẽ bị hôi. Nếu chọn vịt sống thì đặt tay vào ức con vịt thấy phần này to, rắn chắc và đầy đặn tức là vịt mập thịt nhiều thì sẽ rất ngon. Với vịt làm sẵn thì chọn vịt có da màu vàng, ức đầy và rắn chắc thì thịt sẽ ngon.
– Cách chọn chao: Để có chao ngon nên chọn chao cũ, thấy chao nổi lên trên thì có độ béo hơn.
– Chọn dừa: Bạn đừng nên chọn nhưng trái dừa đã ngâm hóa chất trắng tươi không tốt cho sức khỏe, nên chọn nhưng trái dừa thiên nhiên trông vẻ ngoài có vẻ xấu xí mà lại rất an toàn nha.
5. Vịt hầm bia
Nguyên liệu:
- Thịt vịt: 1kg
- Bia hơi: 400ml
- Lá móc mật, hành tươi, bột hoa hồi, tương bần, nước hàng.
- Gia vị: đường, muối, rượu trắng, tiêu, tỏi ớt, gừng.
Quy trình thực hiện:
- Thịt vịt làm sạch, nhớ sát muối và rượu cho khỏi mùi hôi tanh nhé. Chặt miếng vừa ăn.
- Đun chảo nước sôi rồi cho thịt vịt vào trần qua. Sau đó cho vào nồi áp suất
- Cho bia vào cùng với các gia vị: 2 thìa nước hàng 2 thìa tương, 1 bát bia, 1 nhúm lá móc mật, 1 thìa bột hoa hồi, 1 thìa gừng, 2 thìa hạt nêm.
- Hầm đến khi thịt vịt chín nhừ có màu đẹp, mùi thơm đặc trưng của bia.
- Thưởng thức món ăn cùng với cơm hoặc bún đều ngon cả.
6. Vịt nấu sốt vang
Nguyên liệu:
– Vịt : 1 con khoảng 2,5 kg
– Dầu ăn: 100g
– Khoai tây: 300g
– Bột mì : 30g
– Cà chua: 300g
– Hành khô, hành hoa, tỏi, rượu trắng, nước mắm, xì dầu, húng lìu, muối, kẹo đắng ( nước hàng)
– Bột mì hòa nước quấy đều.
Quy trình thực hiện:
- Vịt làm sạch, chặt vịt thành miếng bằng bao diêm, ướp với 1 chút rượu trắng khoảng 15 phút sau đó ướp gia vị, tỏi, xì dầu thêm 15 phút sau đó cho húng lìu vào trộn đều
- Cho một ít nước hàng vào thịt vịt đã ướp gia vị
- Khoai tây gọt vỏ , rửa sạch, thái ngang thành lát dày 1cm, rửa sạc voớt ra để ráo nước.
- Cà chua rửa sạch, cắt ngang quả, bỏ hạt, thái lát.
- Hành khô bóc vỏ đập dập. Hành hoa nhặt rửa sạch, cắt khúc.
- Cho dầu ăn vào chảo đun nóng già, bỏ khoai tây vào chảo rán vàng vớt ra đĩa. Cho hành vào phi thơm, vớt ra. Tiếp tục cho vịt vào áp chảo xém cạnh, trở đều 2 mặt rồi vớt ra.
- Cho cà chua vào xào chín, nhuyễn, cho bột mì ( đã hòa ít nước loãng) vào quấy đều. Cho thịt vịt và đảo lẫn trút nước ướp thịt vịt để đảo lẫn, đun sội đậy vung 30 phút rồi bỏ khoai tây rán vào.
- Múc thịt vịt bỏ ra đĩa, gắp hành hoa bày lên trên, ăn nóng.
- Thịt vịt chín mềm Khoai chín bỏ , nước sốt sánh, có màu hồng của cà chua, vị vừa ăn.
7. Bún măng vịt
Nguyên liệu:
– 1 con vịt làm sẵn
– Tiết vịt
– 500 gr măng
– Rau răm, giá, gừng, muối, đường, hành phi, hành lá.
– Bún tươi
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Vịt rửa sạch với nước muối có pha chút chanh, sau đó đập dập củ gừng chà sát lên mình vịt, rồi rửa qua nước lạnh, đề ráo.
Bước 2: Nấu 1 nồi nước với 1 muỗng cà phê muối, nước sôi cho măng vào luộc khoảng 40 phút với lửa vừa. Sau đó đổ ra rổ, xả qua nước lạnh thật sạch rồi để ráo.
Bước 3: Nấu 1 nồi nước cho vịt vào luộc cùng với 1 củ gừng chẻ đôi, 1 củ hành tây chẻ đôi, một ít hành lá, 1 muỗng cà phê muối. Khi nước sôi bạn nhớ hớt bớt bọt và mỡ nhé!
Bước 4: Khi vịt chín vớt vịt ra chần sơ qua nước lạnh cho da vịt không thâm đen. Chặt vịt từng miếng vừa ăn. Phần tiết luộc chín và cắt miếng vừa ăn.
Bước 5: Bắc chảo lên bếp cho vào 1muỗng canh dầu phi tỏi hành cho thơm, cho măng vào xào cùng với ½ muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê bột nêm, 2 muỗng cà phê nước mắm, 1 muỗng cà phê đường. Xào cho măng ngấm đều gia vị rồi cho măng vào nồi nước luộc vịt, cho thêm 5-6 gốc hành lá. Nêm nếm lại cho vừa ăn.
Bước 6: Pha nước chấm: 2 muỗng cà phê đường, 4 muỗng cà phê gừng giã nhuyễn, 3 muỗng cà phê nước mắm, 1muỗng cà phê ớt băm trộn đều.
8. Vịt áp chảo sốt cam
Nguyên liệu:
– 2 cái đùi vịt
– 1 quả cam
– 200g nước dùng
– 40g hành tây
– Một ít dầu ăn
– Muối
– Tiêu trắng
– Rượu trắng
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Ướp vịt với rượu, tiêu và muối trong vài giờ. Băm nhuyễn hành tây, cắt nhỏ cam. Sau đó, bạn chuẩn bị một chảo nóng với một ít dầu, cho vịt vào chiên, úp phần da vịt xuống đáy chảo để chiên trước.
Bước 2: Khi thịt vịt hơi vàng thì bạn lật ngược lại.
Bước 3: Sau đó tiếp tục chiên cho đến khi vịt vàng đều cả 2 mặt
Bước 4: Lấy thịt vịt ra và cho hành tây cắt nhỏ vào phi thơm
Bước 5: Cho cam cắt nhỏ vào
Bước 6: Xào tới khi cam ra nước. Lúc đó, bạn đổ nước dùng vào.
Bước 8: Bật lửa lớn tới khi nước sôi thì chuyển sang lửa nhỏ, đun thêm 10 phút nữa. Chú ý nêm nếm muối và đường cho vừa miệng nhé! Cuối cùng bạn chỉ việc cho vịt ra đĩa rồi đổ phần nước sốt lên là xong rồi!