Với tiết trời rét đậm ở ngoài Bắc và không khí se se lạnh trong Nam, hẳn ai ai cũng nghĩ tới việc nấu một món gì đó đem lại cảm giác ấm áp. Thời tiết này quả thật rất thích hợp để thưởng thức những món hầm, hấp, canh,… thay vì ăn các món chiên, xào,…
Như các bạn đã biết, gà là một loại gia cầm quen thuộc, xuất hiện trong nhiều món ăn, đặc biệt dịp Tết âm lịch cận kề, gia đình nào ở ngoài Bắc cũng chuẩn bị một vài con để luộc.
Nhưng nếu đã cảm thấy “ngán” với cách thức chế biến quen thuộc là luộc, bạn có thể đón xem bài viết này trên monngondongian để học hỏi thêm cách chế biến gà vừa lạ, vừa đa dạng hóa khẩu vị, lại vừa nóng hôi hổi, vừa thổi vừa ăn.
Gà tiềm song cô
I. Nguyên liệu:
– 2 miếng đùi gà góc tư
– 100 gr giò sống
– 50 g nấm đông cô (khoảng 10 tai nấm, chọn cánh to, đều, ngâm nở mềm, cắt bỏ chân nấm, vắt ráo nước)
– 150 g nấm rơm búp (nấm đen, không chọn nấm vàng)
– 2 muỗng bột năng
– 1 củ cà rốt tỉa hoa
– 2 cây cải ngọt
– 1 trái dừa xiêm (lấy nước)
– 1 muỗng hành tỏi băm (khoảng 3 củ hành tím + 4 tép tỏi)
– 1 muỗng dầu mè
– 2 muỗng nước tương
– Vài cọng hành lá và ngò để trang trí
– Gia vị: Muối, tiêu, đường, hạt nêm, dầu ăn
– 5 vắt mì sợi (mì trứng)
Sơ chế:
1. Gà làm sạch, để ráo nước, chặt miếng vừa ăn. Sau đó, ướp gà với 2 muỗng nước tương, chút muối, chút tiêu, bột nêm, 1 muỗng dầu mè + 1 muỗng hành tỏi băm. Để khoảng 15 phút cho thấm. (Bước này bạn chú ý ướp đầy đủ gia vị và số lượng để đảm bảo món ăn chuẩn vị đậm đà, thơm ngon)
2. Giò sống: Quết với tiêu + bột ngọt
3. Nấm đông cô: ngâm trong nước ấm + chút muối cho nở mềm, cắt bỏ chân nấm và xả sạch, vắt cho ráo nước. Sau đó, thoa một ít bột năng vào mặt trong của nấm đông cô, đắp giò sống lên nấm, đem hấp khoảng 5 phút.
4. Nấm rơm: Ngâm nước muối năm phút, cắt gốc, rửa để ráo, xào sơ + gia vị.
5. Cà rốt: Cắt khúc, tỉa hoa, chiên sơ
6. Cải ngọt: Cắt gốc, rửa sạch, cắt khúc 4 cm
7. Hành ngò: nhặt bỏ gốc, rửa sạch
8. Mì sợi: Để mì trứng được ngon, sau khi chụng qua nước sôi, bạn nên xả qua nước lạnh. Sau đó trộn với dầu có phi hành tím để mì trứng nêm nếm lại cho vừa miệng ăn và không bị dính.
Chế biến:
– Bắc chảo dầu, cho gà vào chiên sơ sao cho vàng mặt, gắp ra đĩa.
– Đổ nước dừa vào nồi, đun sôi, cho gà vào nấu + cà rốt (nếu lượng nước dừa chưa ngập mặt thịt gà thì cho thêm nước lạnh vào cho đủ ngập). Nấu đến khi gà và cà rốt gần mềm thì cho nấm rơm và nấm đông cô vào, nấu tiếp 10 phút, nêm gia vị lại cho vừa ăn, đến khi gà và cà rốt chín mềm thì tắt bếp.
Trình bày:
– Múc gà ra tô hoặc thố, trên xếp cà rốt, nấm rơm, nấm đông cô.
– Trang trí thêm ngò và hành lá tỉa hoa.
– Dọn kèm với muối tiêu chanh, chén nước tương
– Ăn nóng với mì và cải ngọt
Nếu như không muốn làm Gà tiềm song cô (Gà tiềm nấm đông cô) thì monngondongian sẽ mách bạn một món gà nữa đặc biệt không kém. Đó là món Gà tiềm ngũ quả mang hương vị truyền thống.
Gà tiềm ngũ quả
Gồm 14 nguyên liệu (với số lượng của bài viết này thì dành cho 4 người ăn nhé!). Món ăn sẽ không hề khó làm đâu nha cả nhà!
I. Nguyên liệu:
– Gà (1 con khoảng 1,8 kg)
– 100 gr bạch quả
– 100 gr nấm đông cô
– 3 muỗng cà phê hạt nêm
– 1/2 muỗng cà phê muối
– 20 ml rượu trắng
– 1 củ cà rốt
– 200 gr củ năng
– 100 gr hạt sen tươi
– 30 gr táo tàu
– 2 muỗng cà phê nước tương
– 1/2 muỗng cà phê đường trắng
– 1 lít nước
– 1/4 muỗng cà phê bột ngọt
II. Quy trình thực hiện:
Chuẩn bị:
1. Gà: rửa sạch bằng nước lạnh, rửa lại với chút rượu trắng cho thơm, để ráo
2. Bạch quả, nấm đông cô, táo đỏ, hạt sen: ngâm nước cho nở. Xắt hạt lựu bạch quả, củ năng.
3. Cà rốt: rửa sạch, gọt vỏ và cắt khúc vừa ăn hoặc có thể tỉa hoa theo ý thích
( còn một số nguyên liệu khác mình không nhắc lại như hành ngò,… thì sơ chế y chang với Gà tiềm song cô )
Chế biến:
– Đặt nồi lên bếp, cho vào nồi 1 lít nước lọc và cho gà vào. Cho vào cùng 1/2 muỗng cà phê muối. Sau khi nước dùng trong nồi luộc gà bắt đầu sôi thì cho hạt sen, nấm đông cô, bạch quả, táo đỏ, củ năng và cà rốt vào nồi hầm thêm 120 phút.
– Sau thời gian hầm đã xong, nêm 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1/4 muỗng cà phê bột ngọt và 2 muỗng cà phê nước tương và 1/2 muỗng đường. Sau đó múc gà ra tô, rắc lên trên vài sợi hành ngò và 1 ít tiêu.
Đây là món được nhiều người yêu thích hơn Gà tiềm thuốc bắc vì nước dùng ngọt hơn và không có mùi thuốc. Ngoài ra, món ăn cũng vô cùng bổ dưỡng, dễ ăn, thích hợp cho bà bầu. Món ăn này đậm chất Nam Bộ nhưng các bạn ở miền Bắc, miền Trung cũng có thể thử sức, biết đâu sẽ đem đến bữa ăn ngon cho gia đình.
Phụ nữ trong giai đoạn mang thai được thưởng thức một bát gà tiềm ngũ quả ấm nóng thì thật tuyệt vời phải không nào?
Gà tiềm ớt hiểm
monngondongian đã đem đến cho các bạn 2 món Gà tiềm là Gà tiềm song cô và Gà tiềm ngũ quả. Bây giờ mình sẽ mang tới một công thức Gà tiềm nữa, hứa hẹn cũng rất lạ và ngon. Đó chính là Gà tiềm ớt hiểm. Hẳn cánh mày râu sẽ rất thích cho mà xem!
Hương vị cay cay của ớt kết hợp vị ngọt từ thịt gà mang đến cảm giác ngon miệng cho bất cứ ai một lần ăn. Đọc bài viết dưới đây để học cách làm món gà tiềm ớt hiểm xanh nhé!
Gà nấu ớt hiểm xanh là món ăn quen thuộc trong nhiều gia đình. Tuy nhiên không phải chị em nội trợ nào cũng biết chế biến đúng cách, mang lại hương vị tuyệt hảo cho món ăn. Dưới đây là các bước đơn giản để bạn có thể chế biến thành công món ăn ngon và bổ dưỡng này:
I. Nguyên liệu:
– Gà: (Một số loại gà bạn có thể lựa chọn để chế biến gồm: Gà ri, gà mía, gà lôi, gà mái tơ, gà hồ (gà tò), gà đen, gà ác, gà đông tảo, gà tre… Trong số đó gà mái tơ là lựa chọn phù hợp nhất).
– Ớt hiểm xanh
– Nấm đông cô, nấm tuyết
– Hành tây, hành tím, tỏi, sả
– Kỷ tử
– Nước dừa tươi
– Mì gạo
– Củ cải trắng, cải thảo, mồng tơi, cải bẹ xanh, bông hẹ, tần ô…
– Gia vị: Muối, hạt nêm, nước tương, dầu ăn…
II. Quy trình thực hiện:
Sơ chế:
Sơ chế nguyên liệu là khâu vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hương vị món ăn. Chính bởi vậy quá trình này bạn cần thực hiện nghiêm túc và cẩn thận. Một số thao tác sơ chế cơ bản như sau:
1. Gà: Làm sạch, sơ chế với muối hoặc chanh để khử bớt mùi tanh, hôi, sau đó chặt thành 7 – 8 phần
2. Ớt hiểm xanh, sả: Rửa sạch, đập dập
3. Hành tím, tỏi: Bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn
4. Hành tây: Bỏ vỏ và rễ, cắt thành các miếng hình dạng như múi cau
5. Kỷ tử: Rửa sạch
6. Nấm đông cô: Ngâm với nước ấm trong khoảng 15 phút để nám nở ra, cắt chân và rửa lại với nước sạch.
7. Các loại rau: Nhặt bỏ những lá héo, úa, rửa sạch và thái thành từng khúc vừa ăn
8. Củ cải: Gọt vỏ, thái thành từng khúc 2 cm
9. Mì gạo: Luộc chín, vớt ra rổ xả với nước lạnh rồi để ráo.
Ướp gà:
– Bạn bắc nồi lên bếp gồm có 1 lít nước lọc cùng với nửa lít nước dừa tươi. Sau đó, cho gà, ớt hiểm xanh, hạt nêm, nước tương vào nồi, đậy nắp lại và bật lửa lớn.
– Sau khi sôi khoảng 5 phút, bạn cho nấm đông cô và củ cải trắng vào. Đến khi thịt gà chín mềm, bạn cho hành tây, kỷ tử, nêm nếm gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị ăn của cả gia đình rồi tắt bếp.
Trình bày:
– Bạn múc gà tiềm ớt hiểm xanh ra bát rồi thưởng thức. Món ăn này bạn ăn kèm với các loại rau thơm và mì gạo. Để ngon hơn bạn cũng có thể tự mình làm thêm bát nước chấm muối tiêu để ăn cùng với thịt gà.
NHỮNG LƯU Ý KHI NẤU GÀ TIỀM ỚT HIỂM XANH:
– Chọngà: Bạn nên chọn gà mái tơ, không nên chọn gà quá già hoặc quá non. Trong giai đoạn luộc thịt bạn có thể cho nước khoáng vào, việc này giúp thịt mềm nhanh và ngon ngọt hơn.
– Ớt hiểm xanh: Tùy vào khẩu vị của các thành viên trong gia đình mà số lượng ớt hiểm xanh bạn gia giảm sao cho phù hợp.
Nếu thích ăn cay thì thay vì đập dập trái ớt, bạn có thể thái thành những miếng nhỏ. Ngược lại nếu không ăn được cay, bạn chỉ nên cho 1 – 2 quả ớt hiểm xanh vào trong nồi gà tiềm.
ĂN ỚT HIỂM XANH CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Các món ăn được chế biến cùng ớt hiểm xanh luôn mang giá trị dinh dưỡng rất cao, trong đó có món gà tiềm ớt hiểm xanh như để cập bên trên.
Vậy ăn ăn xanh có tác dụng gì? Ớt hiểm xanh mua ở đâu? Đây là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
Khi còn non, loại quả này có màu xanh, khi chín ớt hiểm chuyển sang màu đỏ. Trái ớt hiểm rất cay, thường được dùng làm gia vị nấu ăn. Tuy nhiên không nhiều người biết đến công dụng tuyệt vời mà trái ớt hiểm xanh mang lại cho sức khỏe.
– NGỪA UNG THƯ:
Chất capsaicin được các nhà nghiên cứu và phát hiện có nhiều trong ớt hiểm xanh có công dụng bảo vệ cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch hiệu quả. Loại quả này chống lại các gốc tự do gây ưng thư, làm chậm quá trình lão hóa.
– Giảm đường huyết:
Một trong những lợi ích tuyệt vời mà ớt hiểm xanh mang lại cho con người đó chính là cân bằng đường huyết. Những ai bị cao huyết áp nên thường xuyên bổ sung ớt hiểm xanh vào trong các bữa ăn của mình.
– Hỗ trợ tiêu hóa:
Trong ớt hiểm xanh có chứa hàm lượng chất xơ rất lớn, chất này giúp làm sạch ruột, loại bỏ chất thải, hỗ trợ ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
– Chống viêm:
Những người bị các bệnh lí liên quan đến xương khớp: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp gối… nên ăn ớt hiểm xanh thường xuyên. Trong ớt xanh có các chất giúp ngăn ngừa viêm sưng đau hiệu quả.
– Tốt cho tim mạch:
Sắt, mangan, kali, magie có nhiều trong ớt hiểm xanh giúp các tế bào phát triển, hoạt động ổn định, từ đó kiểm soát huyết áp và nhịp tim hiệu quả.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi bài viết này. Mong rằng các bạn sẽ có một năm 2019 đầy ắp niềm vui, bên cạnh những người thân yêu và sẽ học thêm nhiều bí quyết nấu những món ăn ngon cho gia đình nhé!
Nếu thấy bài viết này hay và hữu ích hãy chia sẻ rộng rãi nha! Chúng tôi sẽ rất vui đấy.