Một mùa trung thu lại sắp đến và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo mang hương vị ngọt ngào là thức quà không thể thiếu trên bàn trà của mỗi gia đình vào dịp này. Trong cuộc sống hiện đại, bánh trung thu được các thợ làm bánh nghiên cứu, làm ra nhiều hương vị mới lạ đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người dân.
Hãy cùng tham khảo các cách làm bánh trung thu dưới đây nhé
1. Bánh nướng truyền thống
Những chiếc bánh nướng cổ truyền được làm ra không hề khó nhưng đòi hỏi người làm bánh luôn kiên trì từ khâu trộn bột làm nhân cho đến nướng bánh trung thu. Ngày nay, người ta ít làm bánh nướng truyền thống bởi vì các công đoạn quá cầu kỳ nhưng dù sao đây vẫn là hương vị luôn khơi gợi trong cảm xúc mỗi người về một miền ký ức xa xăm thủa nào. Hãy bắt tay tự làm bánh nướng hương vị truyền thống cho gia đình bạn nhé
1.1 Nguyên liệu
Nguyên liệu làm nhân bánh:
- 200 gram mứt bí
- 100 gram mứt sen
- 100 gram lạp xưởng
- 200 gram mỡ ướp đường
- 100 gram vừng rang
- 50 gram đậu phộng rang
- 50 gram hạt điều rang
- 30 gram hạt hướng dương rang
- 30 gram hạt bí rang
- 100 gram jambon xào đường
- 30 gram mứt vỏ cam
- 2 trái chanh (bào lấy phần vỏ)
- 20 gram lá chanh thái chỉ
Nguyên liệu làm nước trộn nhân bánh:
- 65 gram đường bột
- 65 gram nước lọc
- 1 muỗng cafe dầu vừng
- 1 muỗng cafe rượu lúa mới
- 1 muỗng cafe rượu Cognac (nếu không có thì có thể sử dụng loại rượu khác cũng được)
1.2 Các bước thực hiện
Bước 1: Làm nước đường
- Nguyên liệu: Đường hoa mai 1kg, 600ml nước cất, 2 trái chanh nhỏ, mạch nha khoảng 30 gram. Các bạn cho đường, nước cùng nước cốt chanh quấy đều, thả 1/2 vỏ trái chanh vào quấy cùng. Khi sôi, ta vặn nhỏ lửa xuống đồng thời dùng muỗng vớt hết bọt ra ngoài.
- Tiếp đó cho mạch nha vào đun thêm 40 phút, không quấy vặn lửa nhỏ nhất có thể cho đến khi màu nước đường chuyển sang màu cánh gián, dẻo dính như mật ong. Các bạn đậy kín, để nước đường từ 4 đến 1 tuần.
Bước 2: Làm vỏ bánh nướng
- Nguyên liệu: Nước đường đã nấu 1 tuần trước (200 gram), lòng đỏ trứng gà, bột nở baking soda (5 gram), dầu ăn (50gram). bột mì (300 gram)
- Các bạn cho nước đường, dầu ăn, lòng đỏ trứng gà vào khuấy đều cho đến khi được 1 hỗn hợp sền sệt. Lúc này ta cho bột mì, bột nở baking trộn với nhau rồi chia làm 3 phần bằng nhau.
- Các bạn cho từng phần vào hỗn hợp nước đường vừa trộn vào nhào, nhao bột đều tay cho đến khi bột thật mịn, để khối bột nghỉ khoảng 30 phút.
Bước 3: Làm mỡ ướp đường
- Nguyên liệu: chọn phần mỡ dày, trắng hồng, đều, chắc không có mùi lạ
- Rửa sạch nguyên liệu, luộc sơ thái hạt lựu. Trộn mỡ theo tỷ lệ 100 gram mỡ với 70 gram đường bột và 1 muỗng rượu trắng. Để khoảng 1 tuần, mỗi ngày đảo đều 1 lần.
Bước 4: Trộn nhân bánh nướng
- Cho lần lượt các nguyên liệu đã thái lựu vào tô, trộn đều tay, cho 1 ít bột dẻo và trộn đều sau đó nước trộn nhân vào trộn tiếp cho đến khi các nguyên liệu quyện dính vào nhau
- Để yên trong vòng 5 phút
Bước 5: Cân các nguyên liệu bánh
- Tùy thuộc vào khuôn bánh (100g, 125g, 150g, 200g) ta tuân thủ nguyên tắc: vỏ bánh bằng 1/3 trọng lượng bánh, nhân bánh bằng 2/3 trọng lượng bánh.
- Sau khi cân xong, ta vo tròn từng phần nhân đã trộn ra đĩa. Tiếp đến, ta lấy bột ra nhào. Để bột không bị dính vào khay, ta có thể sử dụng bột áo xoa nhẹ lên khay nhào. Lăn tròn bột trên khay rồi cân từng phần bột theo tỷ lệ như trên.
Bước 6: Nặn bánh
- Các bạn vo tròn nhân bánh, nhúng vào bột áo rồi ấn nhẹ dẹt xuống, sau đó cho nhân bánh lên và khéo léo nặn cho đến khi lớp vỏ bánh bao trùm lên toàn bộ nhân thật khít.
Bước 7: Làm khuôn bánh
- Các bạn lấy khuôn, vẩy ít bột áo vào khuôn cho khỏi dính. Cho bánh vừa nặn vào khuôn, phần vỏ dày lên trên, vỏ mỏng xuống dưới, sau đó ấn chặt giữ khoảng 30 giây rồi thả tay ra, ấn cần gạt xuống.
Bước 8: Phết trứng lên mặt
- Lấy 2 lòng đỏ trứng gà, 1 lòng trắng trứng, 1/2 muỗng cà phê dầu vừng, 1 muỗng cafe dầu ăn, muối. Đánh đều hỗn hợp lên rồi dùng chiếc chổi quét nhẹ một lớp hỗn hợp lên bề mặt hoa văn của bánh. Phết sao cho đều tay, mỏng không nên quá dày.
Bước 9: Nướng bánh và thưởng thức
- Nướng bánh ở nhiệt độ phù hợp cho đến khi chín. Làm nóng lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C trước 10 phút. Sau khi nướng xong thì tiến hàn để nguội Để bánh từ 1-2 ngày cho lớp nhân quyện dính vào nhau, lớp nhân mềm là có thể thưởng thức cùng với trà.
- Lưu ý cứ sau 10 phút thì rút mẻ bánh ra rồi quết thêm 1 lớp hỗn hợp để bánh không bị khô, có được màu vàng đẹp mắt.
- Thời gian và nhiệt độ nướng bánh trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, tùy vào mỗi loại lò nướng mà bạn có thể áp dụng cho phù hợp.
1.3 Yêu cầu thành phẩm và cách thưởng thức
Yêu cầu về thành phẩm bánh nướng:
- Vỏ bánh nướng đạt yêu cầu khi mặt và đáy bánh vàng, khô ráo, thành bánh đục, hoa văn rõ ràng, không bị mất nét, không bị vỡ vụn.
- Bánh khi ăn có độ mềm dẻo nhất định, không quá ngọt, phần vỏ không nghe mùi bột, phần nhân chín đều hài hòa các hương vị với nhau.
Cách thưởng thức bánh trung thu:
- Sau khi xong cả công đoạn phần nhân và vỏ bánh, bạn sẽ có chiếc bánh trung thu ngon tuyệt vời.
- Dùng dao cánh bánh thành những phần nhỏ, không nên cắt quá nhỏ bánh sẽ bị vỡ vụn nhân không đẹp mắt.
- Bánh sử dụng kèm với nước trà nóng rất tuyệt
1.4 Một số lưu ý khi thực hiện
- Không khuấy trong quá trình nấu nướng đường để tránh bị kết tinh, hớt bọt đọng trên bề mặt nước đường trong quá trình nấu để nước đường trong.
- Trong công đoạn quét mặt, nước đường sẽ giúp bánh lên màu đẹp hơn nhưng nếu bạn dùng quá nhiều thì bánh nhanh bị cháy và dính tay,
- Không nên cho nhiều bánh vào 1 khay nướng, bánh sẽ không chín đều, nhất là ở phía thành bánh
- Bánh nướng bị phồng đế 1 phần do bạn sên nhân chưa đủ độ cứng, nướng nhân chảy nhão xuống đế bánh khiến bánh bị phồng
- Mặt bánh bị nướng do thời gian và nhiệt độ nướng quá cao.
2. Bánh dẻo nhân đậu xanh
Cùng với bánh nướng, bánh dẻo là một trong những bánh truyền thống trong dịp tết Trung thu. Thực ra cách làm bánh dẻo nhân đậu xanh rất đơn giản, với những nguyên liệu quen thuộc mà các bạn có thể mua sẵn tại chợ hoặc các cửa hàng tiện lợi. Mình tự làm nên bánh là một trải nghiệm rất vui, bên cạnh đó bánh lại còn đảm bảo vệ sinh nữa đó.
2.1 Nguyên liệu
- Đậu xanh không vỏ: 200 gram
- Đường: 150 gram
- Dầu ăn: 50 gram
- Mạch nha: 50 gram
- Bột bánh dẻo: 30 gram
- Nước hoa bưởi hoặc vani
- Nước đường bánh dẻo: 700 gram
- Khuôn bánh
2.2 Các bước thực hiện
- Bước 1: Đậu xanh lựa lại những hạt bị hư, sẫm màu sau đó vo sạch và ngâm nước trong vòng 2 tiếng cho đậu nở mềm. Để đậu xanh được chín mềm, thơm ngon nhất thì các bạn nên luộc hỗn hợp đậu cho chín mềm
- Bước 2: Cho đậu đã chín vào máy xay sinh tố, đậy nắp và xay nhuyễn hỗn hợp.
- Bước 3: Cho hỗn hợp đậu xanh sau khi xay vào một chảo chống dinh, thêm đường, bật bếp sen lửa nhỏ và đảo liên tục trong khoảng vài phút, cho 1 chút xíu dầu ăn vào sên tiếp. Khi thấy đậu bắt đầu đặc lại thì lấy 30 gram bột bánh dẻo hòa tan với một chút nước rồi cho vào chảo đậu, khuấy đều và sên tiếp tới khi nhân đậu thành một khối đặc sánh. Sau đó bạn mới cho mạch nha vào đảo đều, cho thêm chút dầu hoa bưởi hoặc vani vào đảo đều rồi tắt bếp. Tinh dầu sẽ giúp cho nhân thơm hơn.
- Bước 4: Chia đều nhân thành từng viên khối lượng 50 gram dùng cho loại khuôn bánh 150 gram, bọc kín và cất trong ngăn mát tủ lạnh.
- Bước 5: Cho nước đường bánh dẻo vào tô sạch, thêm nước hoa bưởi và một chút dầu ăn rồi khuấy đều. Cho bột bánh dẻo vào trộn đều tới khi thấy bột đặc lại thì đặt trên một cái khay, dùng lực lòng bàn tay kéo bột và miết ra xa tới khi mịn dẻo không dính tay là được.
- Bước 6: Chia đều mỗi viên bột 100 gram rồi ấn dẹt miếng bột, cho nhân đậu xanh vào giữa và nhẹ nhàng gói bánh lại sao cho nhân không bị hở ra ngoài.
- Bước 7: Lấy một ít bột khô áo đều lên viên bột và khuôn bánh để chống dính. Đặt viên bột vào khuôn rồi ép chặt lại, để 30 giây cho bánh định hình. Các bạn có thể tạo nhiều loại khuôn khác nhau để thêm phần hấp dẫn cho bánh
- Bước 8: Sau khi hoàn thành có thể cho vào túi đựng bánh, hàn kín miệng hoặc cất bánh trong hộp kín để bảo quản. Bánh dẻo nên thưởng thức vào ngày thứ 2 khi phần vỏ trong lại.
2.3 Một số lưu ý khi thực hiện bánh dẻo
- Để ý lúc làm nhân bánh phần đậu xanh các bạn phải đãi vỏ cho thật sạch và ngâm cùng nước cho hạt đậu xanh mềm ra ngoài ra bạn có thể sử dụng nước ấm để tiết kiệm thời gian
- Làm nhân bánh, không được quá khô mà cũng không quá nhão sẽ khó làm và cho vào nhân bánh không ngon
- Chú ý khi nặn bột làm bánh, bạn luôn phải trộn và nhào nặn cho đều khắp ty tránh bột bị vón cục
- Nếu muốn tạo hương thơm quyến rũ cho bánh hơn thì cho thêm hương khác nhau tùy vào sở thích của mỗi người nhé.
2.4 Cách làm bánh dẻo nhiều màu sắc
Các nguyên liệu tương tự như với cách làm bánh như trên. Khác biệt ở đây là chúng ta sử dụng siro để bánh có nhiều màu sắc hấp dẫn hơn. Bạn có thể sử dụng một số màu tự nhiên như thanh long ruột đỏ, củ dền cho bánh màu hồng, nước chanh leo cho bánh màu vàng hay lá dứa cho bánh màu xanh, lá nếp cẩm cho bánh màu tím nhạt.
Các bước làm siro như sau:
- Bạn cho vào máy ép hoặc xay các nguyên liệu đã chuẩn bị rồi cho đường tùy vào sở thích của bạn, tuy nhiên không nên cho quá nhiều ngọt vì rất dễ ngán, khuấy tan rồi đun sôi lăn tăn là được.
- Để nguội siro sau khi đun
Các bước thực hiện như sau:
- Bạn chuẩn bị một chiếc thau lớn rồi cho đường, dầu ăn, siro vào, khuấy đều cho tan vào nhau
- Lấy bột nếp lọc qua rây từ từ cho vào hỗn hợp vừa mới chuẩn bị. Sau khi rây bột nếp, bạn quậy cho hòa quyện với hỗn hợp nước đường, siro và dầu ăn, nhào bột thật mịn, dẻo kéo ra không đứt rồi bao lại bằng màng bọc thực phẩm cho nghỉ 15 phút.
- Sau đó các bước làm tương tự như với bánh dẻo không có màu.
Với những chiếc bánh dẻo đủ màu sắc lại được làm hoàn toàn từ tự nhiên, chắc chắn ai cũng rất thích thú và ăn ngon miệng hơn đó.
Trên đây chỉ là 2 cách làm bánh nướng và bánh dẻo, còn có rất nhiều cách làm khác nhau với đa dạng về nguyên liệu. Chúc các bạn thực hiện tốt món ăn này nhé