Việt Nam chúng ta nổi tiếng với rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ gạo làm say đắm lòng người. Nếu như miền Bắc có bún đậu mắm tôm – bún chả, miền Trung có cao lầu – mì quảng – bún bò huế thì miền Tây cũng có rất nhiều món ngon như bánh đúc nước dừa, bánh giá, bánh xèo v.v..
Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách làm 2 loại bánh đặc sản miền Tây là bánh đúc nước dừa và bánh giá Gò Công hơm ngon, bổ dưỡng cách làm khá đơn giản không hề phức tạp. Nguyên liệu có thể mua bất cứ nơi đâu, hãy nhanh tay xuống bếp để làm cho mọi người cùng thưởng thức nào.
BÁNH ĐÚC NƯỚC DỪA
Khác với bánh đúc của người miền Bắc bánh đúc miền Tây hay còn có tên gọi khác là “bánh đúc mặn”. Một đĩa bánh đúc mặn với vài miếng bột hấp cắt xéo, một ít nhân rau củ trộn tôm thịt sẽ cho bạn một bữa sáng vừa bụng và ngon miệng.
Hầu như khu bán bánh trái ở bất kỳ ngôi chợ nào ở miền Tây cũng có món bánh đúc mặn nước cốt dừa. Món này chế biến rất đơn giản, nguyên liệu lại dễ tìm nên bạn hoàn toàn có thể tự tay chuẩn bị cho gia đình như một món điểm tâm.
Nguyên liệu làm bánh đúc nước cốt dừa:
- Bột năng rây mịn: 200g
- Bột gạo tẻ rây mịn: 200g
- Lá dứa: 1 bó
- Nước cốt dừa: 1 lon (loại bán sẵn hoặc có thể lấy dừa khô lọc lấy nước cốt)
- Đường cát trắng: 300g
- Nước: 900ml
- Gừng tươi: ½ củ
- Muối: 1 muỗng
- 50g nấm mèo
Dụng cụ: Nồi, rây để lượt dừa và bột, dĩa, khuôn bánh….
Cách làm bánh đúc nước cốt dừa
Bước 1:
Làm màu bánh: Thay vì dùng màu thực phẩm, bạn có thể tự làm nước lá dứa để tạo màu đẹp cho các món ăn.
Lá dứa đem rửa sạch, để ráo nước rồi cắt nhỏ, cho lá dứa đã cắt vào máy xay sinh tố cùng 1 bát nước nhấn nút xay nhuyễn lá dứa. Sau đó, đổ hỗn hợp ra khay lọc, lọc qua rây sẽ thu được nước lá dứa màu xanh.
Cho thêm vào nước cốt lá dứa 1 muỗng muối, 200g đường, 1/3 lon nước cốt dừa đã chuẩn bị, khuấy đều tay để chúng hòa quyện lại với nhau thành hỗn hợp đồng nhất.
Bước 3: Cho phần bột tẻ và bột năng đã rây mịn vào âu lớn, sau đó trộn đều thành hỗn hợp đồng nhất.Từ từ cho phần nước cốt dừa vào âu bột, dùng phới khuấy thật đều phần bột để chúng hòa quyện thành hỗn hợp đồng nhất. Đem hỗn hợp bột lượt qua rây một lần để hỗn hợp mịn không còn đóng cục.Sau đó để bột nghỉ trong khoảng 30 phút.
Bước 3: Cho bột lên bếp đun nhỏ lửa để hỗn hợp sôi, vặn nhỏ lửa rồi dùng đũa lớn khuấy đều phần bột. Để yên bột trên bếp cho bột sôi lục bục lên trong vài phút, nên lâu lâu đảo bột vỡ các bong bóng
Bước 4: Tráng một lớp dầu ăn lên khuôn bánh để chống dính, đổ phần bột chín lên dàn đều khuôn. Cho nồi nước vào xửng hấp, đun cho nước sôi thì cho bánh vào hấp cho bánh chín đều. Lấy bánh ra khỏi nồi hấp, dùng muôi đè chặt bánh xuống để tạo thành khối bánh cứng cáp.
Bước 4: Tôm và nấm mèo ngâm nước 15 phút cho mềm sau đó thái nhỏ nấm mèo trộn nấm mèo, tôm và thịt bằm ướp gia vị cho vừa ăn để 10 phút. Sau đó khử hành tỏi lên cho thơm rồi xào tôm thịt lên cho chín..
Bước 5: Bằm nhuyễn gừng( tỏi) với ớt, pha cùng 40ml nước mắm, 50ml nước sạch, 40g đường, 2 muỗng nước cốt chanh( dấm) trộn đều lên để làm nước mắm ăn cùng với bánh đúc. Khi bánh đông lại bạn lấy bánh ra khỏi khuôn ăn kèm với nhân tôm thịt và nước mắm.
Nếu bạn muốn ăn chung với nước cốt dừa đều được. Bánh đúc sẽ thơm mùi lá dứa kèm với sự béo ngậy của nước dừa khiến cho người ăn càng mê hơn. Hãy nhanh tay xuống bếp làm cho gia đình bạn ăn nhé rất hợp vào những dịp cuối tuần hay những ngày lễ.
BÁNH GIÁ GÒ CÔNG
Bánh giá là một món ăn đặc sản nổi tiếng xuất xứ từ Chợ Giồng (Gò Công Tây) ở vùng Gò Công, Tiền Giang. Cũng vì xuất xứ đó mà người ta thường gọi là Bánh giá Chợ Giồng. Cái vá là vật dụng dùng định hình cho loại bánh này, người địa phương đọc trại “vá” thành “giá” từ đó trở thành tên gọi của bánh là bánh giá.
Nếu có dịp về Gò Công Tây, Tiền Giang, bạn không nên bỏ qua món bánh giá ở đây, rất ngon và hấp dẫn. Bánh chiên giòn rụm, ăn không hoặc có thể cuốn cùng rau chấm với nước mắm đều rất ngon. Một lần ăn qua rồi bạn khó lòng quên được, nhưng nếu không quên thì phải làm sao đây? Bạn có thể thử làm tại nhà xem có ngon như những chiếc bánh được mua tại Gò Công không nha.
Nguyên liệu:
– Bột bắp: 1 bát ăn cơm
– Bột gạo: 4 bát ăn cơm
– Trứng gà: 4 quả
– Nước cốt dừa: 1 bát ăn cơm
– Gan heo: 300gr
– Tôm: 300gr (loại vừa)
– Thịt nạc dăm: 300gr
– Hành lá cắt nhuyễn: 3 thìa canh
– Giá sống: 300gr
– Đậu phộng: 100gr
– Đậu xanh: 100gr
– Tỏi băm nhuyễn: 2 thìa cafe
– Gia vị thông thường: muối, tiêu xay – Dầu ăn
Cách Làm Bánh Giá Gò Công
– Trước tiên, để làm món bánh giá (cũng có người gọi là bánh vá) là cần có một cái vá hơi to một chút, sâu lòng để làm khuôn khi chiên bánh.
-Bước 1: Cho bột bắp, bột gạo chung, trứng gà trộn đều, sau đó từ từ cho nước cốt dừa vào, vừa cho vừa khuấy đều, khi thấy hỗn hợp sền sệt là được. Tiếp theo cho hành lá cắt nhuyễn và 1 thìa cafe muối vào trộn đều và để bột nghỉ khoảng 30 phút.
-Bước 2: Gan heo cắt miếng nhỏ vừa ăn, nêm vào đó 1 thìa cafe muối, 1/2 thìa cafe tiêu xay và 1 thìa cafe tỏi băm rồi trộn đều. Để 15 phút cho thấm gia vị. Khi gan heo đã thấm gia vị thì cho lên bếp xào nhanh tay với lửa lớn, khi thấy cạn hết nước và gan chín tái là được.
Bước 3: Thịt nạc dăm băm nhuyễn, nêm vào 1 thìa cafe muối, ½ thìa café tiêu xay và 1 thìa cafe tỏi băm nhuyễn rồi trộn đều. Để thấm 15 phút, sau đó cũng đem xào sơ cho thịt chín tái đi.
-Bước 4: Tôm rửa sạch, có thể lột vỏ hay để vỏ đều được, để ráo nước. – Đậu phộng rửa sạch và luộc chín. – Đậu xanh chọn loại nguyên hạt, không cần đãi vỏ, đem hấp chín.
Bước 5: Giá sống rửa sạch, để ráo nước.
Bước 6: Cho dầu vào chảo chiên, vì mỗi lần chỉ chiên 1 cái một và phải chiên ngập dầu nên không cần chảo to quá, bạn dùng chảo sâu lòng hay nồi cũng được, cho dầu vào hơi nhiều một chút. Dầu sôi già mới bắt đầu chiên.
Bước 7: Đầu tiên bạn cho một ít giá sống vào không chiếc vá, cho một vài miếng gan và thịt bằm lên. Lượng nhân này khoảng 2/3 vá là được. Sau đó cho bột vào đầy chiếc vá, cho ít đậu phộng và đậu xanh lên trên, cuối cùng để 1-2 con tôm lên.
– Cho vá bánh vào dầu chiên, bạn cứ để chiếc vá trong nồi dầu sôi, khi bánh được chiên vàng thì tự động sẽ tách ra khỏi vá.
– Bánh được chiên vàng thì vớt ra để trên giấy thấm dầu.
Bánh dùng nóng sẽ ngon hơn. Có thể ăn bánh không hoặc cuốn với xà lách và rau thơm sau đó chấm với nước mắm chua ngọt cũng rất ngon.
Yêu cầu món ăn:
– Bánh chín vàng nhưng không khét và nát.
– Bên trong nhân bánh vẫn có độ mềm và ngọt.
Chúc bạn thành công và có nhiều món ngon cho gia đình thân yêu!