Chân gà là món ăn không chỉ hấp dẫn đấng mày râu, mà còn được rất nhiều chị em ưa chuộng. Chân gà có thể chế biến được nhiều món ngon như: chân gà luộc, chân gà rang muối, chân gà ngâm sả tắc… Hôm nay, sẽ hướng dẫn các bạn thực hiện món chân gà ngâm sả tắc. Chân gà chua chua cay cay, giòn sần sật nhâm nhi cuối tuần thì còn gì thú vị bằng.
Chân gà ngâm sả tắc là một món ăn rất đơn giản, dễ làm mà lại khá ngon. Bạn có thể cùng bạn bè và gia đình thưởng thức vào các dịp lễ, hội, hay ngày nghỉ cuối tuần.
-
Nguyên liệu làm món chân gà ngâm sả tắc:
– Chân gà: 15 chiếc (mọi người ăn bao nhiêu có thể làm số lượng tuỳ thích). Bạn nên mua chân gà công nghiệp loại trắng tươi, sạch và chắc thịt. Chọn loại không có mùi, như vậy làm món này sẽ ngon hơn. Không nên dùng chân gà ta vì ít thịt và hơi khô. Món ăn sẽ kém ngon hơn.
– Sả: 6 cây.
-Tắc (quất): 12 quả
– Ớt: 5 quả (ai thích ăn cay có thể cho nhiều hơn, riêng mình không ăn được cay nên chỉ cho vào một chút thôi)
– Tỏi: 3 củ
– Gừng: 3 củ
– Lá chanh: vài lá cho thơm.
– Nước mắm, dấm, đường, muối.
Các bạn có thể gia giảm chân gà và các nguyên liệu khác tuỳ khẩu vị và sở thích.
-
Cách thực hiện món chân gà ngâm sả tắc thơm ngon, hấp dẫn
Bước 1: Luộc chân gà.
– Chân gà: các bạn đem rửa sạch bằng muối và một chút rượu trắng cho chân gà hết mùi tanh, hôi.
Sau đó, chặt chân gà ra làm đôi hoặc 3 miếng tuỳ thích, để ráo nước và đem đi luộc.
– Các bạn nhớ đun nước sôi thì mới cho chân gà vào luộc. Luộc chân gà kèm vài lát gừng, 1 thìa muối và 1,2 nhánh sả cho thơm.
– Chuẩn bị 1 bát nước đá. Khi chân gà chín tới thì vớt ra, ngâm luôn vào bát nước đá cho chân gà được trắng và giòn. Ngâm chân gà khoảng 15 phút là có thể vớt ra. Hoặc bạn có thể vớt chân gà ra để ráo nước và bớt nóng, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30 phút. Cách này cũng giúp chân gà giòn hơn.
Bước 2: Chuẩn bị nước ngâm và các nguyên liệu chân gà
– Nước ngâm chân gà bao gồm: 1 nửa bát con nước mắm (nếu bạn muốn ăn đậm có thể cho thêm nước mắm), 1 nửa bát con giấm, 1 nửa bát đường,1 thìa cà phê muối và 4 bát con nước. Nếu bạn ngâm nhiều hoặc ít chân gà hơn thì gia giảm tỉ lệ cho phù hợp.
– Khuấy đều hỗn hợp nước đến khi đường tan hết. Cho lên bếp và đun sôi. Bạn nên nếm thử và gia giảm nguyên liệu cho phù hợp khẩu vị. Nước ngâm vị hơi đậm thì chân gà sẽ ngấm vừa gia vị hơn. Sau đó để cho nước ngâm nguội hẳn mới tiến hành ngâm chân gà.
– Các nguyên liệu ngâm chân gà khác ta chuẩn bị như sau:
+ Sả tách bỏ vỏ già, thái nhỏ phần đầu, phần trên đập dập rồi chẻ dọc.
+ Gừng và tỏi, bóc vỏ, cắt lát
+ Lá chanh bạn đem rửa sạch và thái nhỏ.
+ Quất cắt làm ba, bỏ phần vỏ ở đầu và đuôi quả quất.
+ Ớt: tách đôi, bỏ hạt, cắt miếng hoặc để nguyên đều được.
Bước 3: Ngâm chân gà sả tắc
Sau khi nước ngâm nguội ta tiến hành công đoạn ngâm chân gà như sau:
+ Xếp chân gà vào lọ, sau đó cho sả, ớt, gừng, tỏi, quất, lá chanh đã cắt sẵn vào. Cứ một lớp chân gà bạn lại cho một lớp sả tắc lên trên. Xếp vào lọ đến khi hết chân gà và nguyên liệu ngâm.
+ Sau khi cho xong tất cả nguyên liệu vào lọ, bạn đổ nước ngâm vào. Đổ nước ngâm sao cho ngập hết chân gà. Bạn nên dùn vỉ nén chân gà lại, cho chân gà ngập hết trong nước ngâm. Như vậy, chân gà mới ngấm được gia vị. Đậy nắp kín, rồi cho lọ chân gà ngâm sả tắc vào ngăn mát tủ lạnh. Để khoảng 2-3 tiếng là có thể ăn chân gà được rồi. Nhưng bạn nên để khoảng 1 ngày cho chân gà ngấm đều gia vị, ăn sẽ ngon hơn.
-
Cách làm nước chấm chân gà ngâm sả tắc
– Nguyên liệu:
+ Muối: 3 thìa cà phê
+ Đường: 4 thìa cà phê
+ Sữa đặc: 3 thìa cà phê
+ Nước luộc gà: 1 thìa cà phê
+ Hạt tiêu, ớt, tỏi băm: tăng giảm tuỳ khẩu vị người làm.
+ Quất: 3 quả.
+ Lá chanh, vỏ quất.
Muối bạn đem rang lên cho có màu vàng, nhìn sẽ ngon hơn. Các bạn trộn đều các nguyên liệu bên trên với nhau. Sau đó thái nhỏ lá chanh và vỏ quất cho vào nước chấm. Bạn có thể cho tất cả nguyên liệu trên vào máy say sinh tố để cho hỗn hợp được đều và sánh hơn. Nước luộc chân gà có sả, gừng, nên sẽ tạo nên mùi thơm cho nước chấm, còn chất béo từ chân gà sẽ tạo nên độ ngậy cho nước chấm. Sữa đặc sẽ làm cho nước chấm sánh và ngậy hơn. Vì trong nước chấm còn có cả quất và ớt nên nước chấm sẽ vừa vị, không bị quá ngọt.
-
Thành phẩm chân gà ngâm sả tắc
Sau khi ngâm chân gà được 1 ngày, bạn sẽ nhận được thành quả là món chân gà dai giòn, sần sật. Chân gà thấm đẫm gia vị chua chua của quất, cay cay của ớt, lại có mùi thơm của sả, tỏi và vị ngọt của đường. Nước chấm chân gà sánh và ngậy, chua chua cay cay tê ở đầu lưỡi. Chấm với chân gà rất tròn vị.
-
Những lưu ý khi làm chân gà ngâm sả tắc
– Để chân gà ngâm sả tắc không bị đắng, bạn nên cắt bỏ phần đầu và đuôi của quả quất. Vì vị đắng xuất phát từ vỏ quất nên nếu cắt bỏ sẽ hạn chế được vị đắng này, chân gà sẽ ngon hơn.
– Bạn phải để nước ngâm thật nguội mới cho vào ngâm chân gà. Nếu ngâm chân gà trong nước còn nóng hoặc ấm sẽ làm cho chân gà bị đắng. Nước ấm sẽ làm vỏ quất hăng hơn, nước ngâm sẽ bị đắng và ngấm vào chân gà. Bạn cũng cần loại bỏ hạt quất để nước ngâm chân gà không bị đắng. Sau khi ngâm 1 ngày, nên vớt là chanh ra để nước ngâm vẫn giữ được độ ngọt.
– Thêm nữa, khi nấu nước ngâm, bạn nên dùng giấm gạo để nấu, không nên dùng chanh, quất. Vì khi tiếp xúc với nước nóng, chanh và quất sẽ bị đắng, nước ngâm sẽ không ngon.
– Dụng cụ ngâm chân gà bạn cần phải làm sạch và để ráo nước, nếu không khi ngâm chân gà sẽ bị nổi váng, không đẹp mắt và chân gà không bảo quản được lâu.
– Bạn có thể chặt chân gà trước hay sau khi luộc đều được.
– Nếu không có lá chanh bạn có thể bỏ qua phần này. Lá chanh có cũng được mà không có cũng không sao.
Nếu ngâm theo cách này, bạn có thể thưởng thức dần trong 4-6 ngày. Nếu bạn muốn chân gà để được lâu hơn, trong quá trình ngâm bạn giảm lượng quất xuống còn 1/3 và thêm vào nhiều lá chanh hơn để chân gà thơm hơn. Bảo quản chân gà trong lọ kín và để trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần nhé. Bật mí với bạn đây là món nhậu khá tốn cả bia cả chân gà luôn. Chúc các bạn thành công với công thức chân gà ngâm sả tắc thơm ngon, hấp dẫn này nhé!