Những ngày vừa qua. giải đấu Asiad 2019 quả thực làm nức lòng người hâm mộ. Bản thân là một người vợ, mình cũng đã làm vừa lòng ông xã với món chân gà ngâm sả tắc để nhâm nhi trong khi theo dõi trận đấu. Với sự mày mò và cẩn thận, mình đã làm ra một món nhậu đơn giản mà độc đáo chiều ông xã. Hôm nay xin chia sẻ Cách làm chân gà ngâm sả tắc để mọi người cùng làm và cùng thưởng thức khi xem Việt Nam thi đấu.
Tác dụng của chân gà ngâm sả tắc với sức khỏe người dùng
Chân gà ngâm sả tắc là một một ăn không chỉ ngon miệng mà còn rất bổ ích với sức khỏe người dùng. Collagen có trong chân gà mang lại sự trẻ trung cho làn da. Không những thế thành phần này giúp hệ cơ và xương chắc khỏe và làm lành nhanh vết thương. Ngoài ra ăn chân gà thường xuyên, bạn sẽ không bị lão hóa nhanh chóng và cung cấp độ ẩm cho da.
Chân gà ngâm sả tắc là món khoái khẩu không chỉ của những ông chồng mà còn được các bà vợ, hội chị em yêu thích. Nhâm nhi từng miếng chân gà trong ngày đông giá lạnh vừa ấm nóng vừa vui vẻ. Còn gì thú vị hơn khi vừa theo dõi trận đấu bóng đá thú vị vừa gặm nhấm những miếng chân gà thơm ngon.
Nguyên liệu làm chân gà ngâm sả ớt
- Chân gà: 500 gram. Thường thì gà ta luôn ngon hơn gà công nghiệp nhưng với món ăn này, chân gà công nghiệp là phù hợp nhất. Chân gà công nghiệp to hơn, nhiều thịt và ăn ngon hơn chân gà ta. Khi dùng chân gà ta ngâm sả ớt, món ăn sẽ bị teo lại và khá khô. Tuy nhiên khi chọn chân gà công nghiệp, mình luôn đến các địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chân gà chắc thịt, không quá to, trắng hồng nhạt là đạt tiêu chuẩn.
- Tắc: 200 gram, chọn những trái tắc không quá xanh cũng không quá chín, đẹp mắt.
- Sả: 10 tép, chọn những nhánh sả tươi và to để tạo độ thơm cho món ăn
- Ớt: 5 trái, nên chọn ớt sừng có màu đỏ để tạo độ bắt mắt cho món ăn.
- Gừng: 200 gram
- Rượu trắng: 200 ml
- Giấm: 3 muỗng
- Nước mắm: 3 muỗng
- Đường: 3 muỗng
- Lá chanh: 10 gram
- Muối: mình dùng muối tây ninh và muối hảo hảo để đảm bảo độ chua cay mặn ngọt vừa phải.
- Nước lọc: 300 ml
Sơ chế nguyên liệu để làm món chân gà ngâm sả tắc
Chân gà là nguyên liệu chính của món ăn. Vì vậy bạn cần biết cách sơ chế sao cho sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh. Sau khi bỏ đi phần móng ở chân gà, bạn dùng muối bóp rồi rửa sạch. Cẩn thận hơn, bạn có thể lấy gừng đập dập và bóp với rượu trắng rồi xát lên chân gà để khử mùi. Sau đó rửa sạch chân bằng nước rồi để ráo.
Tiếp theo là sơ chế sả. Loại bỏ phần lá già rồi rửa sạch sả. Đập dập rồi cắt thành khúc 3cm. Nếu muốn ngấm hương vị hơn, bạn có thể xắt mỏng sả.
Ớt là thành phần hỗ trợ tạo hương vị cay đặc biệt cho món ăn. Bạn rửa sạch ớt, chẻ đôi quả rồi loại bỏ hạt. Cắt thành những lát mỏng rồi đê riêng.
Món ăn này bạn nên dùng tắc, không được dùng chanh. Tắc vừa tạo độ chua, vừa mang đến vị thơm cho món chân gà. Cắt đôi quả hoặc cắt thành từng miếng to, đừng nên cắt lát mỏng lúc ngâm chân gà sẽ bị nát. Có thể loại bỏ hạt để không ăn nhầm hạt đắng.
Lá chanh rửa sạch và xắt nhuyễn.
Các bước thực hiện món chân gà ngâm sả tắc
Bước 1: Luộc chân gà
Đun nồi nước trong đó có gừng, ớt và sả đập dập. Khi nước sôi, sau đó cho chân gà vào luộc. Khi chân gà chín tới (để chừng 2-3 phút là chân gà chín, đừng luộc quá lâu sẽ làm nát món ăn), vớt ra và cho ngay vào nước đá lạnh để chân gà trắng và giòn. Bạn có thể tiếp tục bảo quản chân gà trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 20 phút trước khi đem đi chế biến.
Lưu ý khi luộc chân gà đừng đậy vung, sẽ làm chân bị đen và quá mềm. Đảm bảo nước luộc ngập phần chân để chân gà chín đều và không bị khô. Trong lúc luộc nhớ vớt bọt để nước dùng trong và chân gà trắng. Nhiều người cẩn thận hơn có thể cho vào nồi nước luộc một ít rượu trắng và muối để khử mùi hôi. Nếu muốn chân gà có màu sắc đẹp thì cho thêm củ nghệ.
Bước 2: Pha nước ngâm chân gà
Nước ngâm chân gà đóng vai trò quan trọng trong món ăn này. Bạn cần biết cách pha chế nước ngâm đúng vị để tạo nên món ăn hấp dẫn. Cách pha nước ngâm chân gà như sau: Cho 3 muỗng canh giấm + 3 muỗng canh nước mắm + 300 ml nước lọc + 3 muỗng đường + 1 thìa muối và khuấy tan. Đem hỗn hợp này đun sôi. Chờ đến khi nước sôi rồi cho lần lượt sả, ớt, tắc và lá chanh vào. Nấu sôi thêm 1 lần nữa thì tắt bếp. Chờ nước nguội để sử dụng.
Bước 3: Ngâm chân gà vào nước dùng
Lấy chân gà đã bỏ trong tủ lạnh ra. Sắp xếp chân gà vào lọ thủy tinh hoặc hộp nhựa tùy ý. Đổ hỗn hợp nước dùng đã nguội cho vào lọ. Bạn đảm bảo nước ngập chân gà để món ăn ngấm đều gia vị. Cẩn thận hơn có thể dùng vỉ nén bên trên để chân gà không nổi lên phần nước. Sau khoảng 1 ngày ngâm chân gà, bạn có thể bắt đầu thưởng thức món ăn.
Các lưu ý khi làm món chân gà ngâm sả tắc
- Tùy vào sở thích, bạn có thể chặt đôi chân gà hoặc để nguyên chân rồi đem đi chế biến. Đối với mình và ông xã, chẻ từng chân gà ra vừa dễ ăn, vừa nhanh ngấm gia vị hơn.
- Vì ông xã mình rất thích cay nên mình thường cho thêm ớt vào món ăn. Mình lại thích chua nên cũng tăng thêm số lượng tắc. Nhưng các bạn cũng cẩn thận tăng độ chua và độ cay nhưng phải đồng đều gia vị.
- Bạn có thể không cần thêm lá chanh nếu không thích.
- Khi không ăn hết một lần, bạn bảo quản món ăn trong ngăn mát tủ lạnh để vẫn giữ được hương vị và độ ngon.
- Các chị em nên dùng hũ thủy tinh để ngâm chân gà. Ngâm món ăn trong lọ thủy tinh không chỉ đẹp mắt mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước khi xếp chân gà vào lọ, nhớ tráng chút nước sôi và lau khô.
- Khi xếp nguyên liệu chân gà và nước ngâm, nên sắp xếp xen kẽ để nước dùng ngấm đều vào từng chân gà. Cứ một lớp chân gà thì cho nước dùng vào rồi lớp chân gà tiếp theo. Đừng cho một lúc sẽ khiến món ăn không đều và chỗ nhạt, chỗ mặn.
- Nước ngâm chân gà phải để thật nguội trước khi cho vào lọ. Nếu nóng lòng cho khi nước đang còn nóng, món ăn sẽ không ngon và dễ nổi váng, trông rất mất thẩm mỹ.
Chúc chị em thành công với cách làm chân gà ngâm sả tắc nêu trên. Một bữa nhậu nhâm nhi vừa ngon miệng, vừa đảm bảo vệ sinh sẽ làm hài lòng ông chồng khó tính của bạn.