Mứt dừa là món ăn quen thuộc trong dịp Tết đến xuân về của người dân Việt Nam. Cả gia đình cùng ngồi quây quần bên nhau, vừa nhâm nhi chút trà nóng, vừa chầm chậm cảm nhận vị ngọt bùi, giòn giòn của mứt quả thật không còn gì tuyệt vời bằng. Vậy thì hãy cùng tìm hiểu cách làm mứt dừa chuẩn ngon và đảm bảo vệ sinh nhé cả nhà!
NGUYÊN LIỆU:
– 500 gr cơm dừa bào sợi
– 350 gr đường cát trắng mịn
– 1 ống vani (nước hoặc bột)
– 5-6 cọng lá dứa sẫm màu
( có thể sử dụng cà phê hoặc màu thực phẩm )
– 1 hộp sữa đặc (nên mua hộp nhỏ)
LƯU Ý: Dừa non thì cơm mỏng, mềm và nước ngọt, thường được dùng để giải khát. Dừa “già” có lớp vỏ ngoài cứng, màu nâu sậm, cơm dày và cứng, thường được dùng làm nước cốt dừa. Dừa “trungniên” nhìn gần giống dừa “già” nhưng vỏ màu sáng hơn, còn gọi là dừa bánh tẻ hay dừa rám (độ dày cơm dừa khoảng 1 cm, vừa cứng cạy, không quá non cũng không quá già). Loại này dùng làm mứt làngon nhất. Thông thường, nên chọn quả dừa to để có thể cắt được sợi mứt dài và đẹp.
QUY TRÌNH THỰC HIỆN:
1/ Chuẩn bị:
– Chẻ đôi quả dừa, dùng đũa bếp tách lấy phần cơm dừa, gọt sạch lớp vỏ lụa màu nâu đen, bào sợi theo độ dày của cơm dừa, có chiều dài tùy ý, độ dày sợi dừa khoảng 1 mm, rửa sạch, để ráo.
– Bắc nồi nước sôi, cho dừa vào trụng khoảng 5 phút, vớt ra xả sạch dừa với nước vài lần cho đến khi thấy nước trong, để cho dừa thật ráo nước. (Công đoạn này sẽ làm mứt dừa để được lâu mà không bị gắt dầu)
– Lá dứa rửa sạch, giã nhuyễn, cho vào khăn sạch vắt lấy nước.
2/ Ướp dừa:
Cho dừa + đường cát trắng vào chảo trộn đều đến khi đường tan hết thì cho nước lá dứa vào trộn chung.
3/ Sên dừa:
– Bắc chảo dừa lên bếp để lửa nhỏ, cứ 10 phút trộn đều 1 lần, đến lúc thấy dừa gần khô phải trộn đều thường xuyên hơn để đường thấm đều quanh sợi dừa.
– Sên đến khi gần cạn hết, thấy nước đường sền sệt thì cho vani vào, dùng đũa đảo liên tục cho đến khi nước đường gần khô thì tắt bếp, vẫn tiếp tục đảo liên tục cho đến khi thấy đường kết tinh bao quanh sợi mứt là được. Hong mứt trước gió cho dừa mau khô.
LƯU Ý:
Trong lúc sên, phải thường xuyên để ý đến chảo dừa, vì để khét một chút là “chất khét” sẽ lan rộng ra ngay !!!
TRÌNH BÀY:
– Vớt cọng mứt dừa dài, lúc mứt còn nóng, mềm, có thể dùng tay quấn tròn, tạo hình bông hoa để trang trí, xếp ra đĩa nhỏ, dọn kèm nước trà.
– Bảo quản mứt dừa trong lọ thủy tinh sạch, đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, có thể sử dụng trong vài tháng
YÊU CẦU THÀNH PHẨM:
– Mứt có mùi thơm, màu đẹp, vị ngọt béo, khô ráo, có lớp đường kết tinh bao quanh sợi mứt
Có một số lưu ý sau cho việc làm món mứt dừa “bất bại”:
– Nên sên dừa trong ngày vì nhiều khi để qua đêm sẽ bị thiu dừa
– Màu dạng bột trà xanh, cacao,.. thì cho trực tiếp, không cần pha nước. Và ngâm cùng đường
– Muốn dừa trắng hoặc màu tươi hơn thì phải rửa kĩ cho hết dầu dừa. Ngâm dừa thêm 15 phút với muối loãng để sợi dừa mềm dai và ngấm màu.
– Dừa bánh tẻ (Vỏ dừa màu nâu nhạt vừa): Nạo dừa không được quá mỏng hay quá dày. Mỏng quá, sợi dừa sẽ bị khô và bị quăn. Còn dày quá thì dễ sên không kĩ sẽ chảy nước và sợi dừa cứng đơ.
– Thực phẩm tạo màu tự nhiên gồm có:
+ Xanh: Lá dứa, trà xanh, rau cải
+ Đỏ: Củ dền, thanh long, hoa Atiso, gấc
+ Tím: Lá cẩm, bắp cải tím, khoai lang tím
+ Nâu: Bột cacao, cafe
+ Cam: Gấc, cà rốt
– Rau củ xay lấy nước cốt để lắng gạn nước đặc thì màu đậm hơn. Lá cẩm đun lấy nước. Bột thì cho trực tiếp.
– Hơn nữa, để dừa kết tinh đường chuẩn, cả nhà cần chú ý các mục sau đây:
+ Khi sên đường, đun lửa to cho tới khi mứt sôi lên mới giảm lửa lại
+ Đảo đều tay, đảo liên tục, đảo nhẹ tay
+ Khi nước bắt đầu cạn, đảo thấy nặng tay thì vặn lửa ở mức nhỏ nhất
+ Lúc dừa bắt đầu xuất hiện hạt đường trắng xung quanh thì tắt bếp, vẫn để mứt trên chảo và đảo cho khô đường lại
+ Không nên đun trên bếp đến khi đường kết tinh hết, làm vậy mứt sẽ bị cứng quá, không còn dẻo ngon, có thể cháy
+ Dùng chảo to và chống dính để mứt đạt được kết quả như ý
Chúc mọi người sẽ thành công với món ăn dịp tết trong dịp Tết này nhé!!!! Đây chắc chắn sẽ là món tráng miệng tuyệt vời, phù hợp với tất cả mọi người trong gia đình bạn. Mứt dừa là một sự lựa chọn đúng đắn. Nó trở thành một biểu tượng của Tết cổ truyền Việt Nam, khi cứ nhắc tới mứt dừa là sẽ nhớ đến Tết.