Thất tịch là ngày mùng 7 tháng 7 âm hàng năm. Đây được xem như là ngày lễ tình nhân của các nước theo lịch âm như Việt Nam hay Trung Quốc. Người ta vẫn bảo rằng, thất tịch nên ăn đậu đỏ để cầu tình duyên may mắn. Nếu thất tịch có mưa thì mọi sự sẽ viên mãn, tròn đầy. Còn nếu muốn xua đuổi tình duyên thì mọi người vẫn trêu hãy ăn thật nhiều đậu đen nhé. Món ăn với đậu đỏ thì không phổ biến bằng các loại đậu khác. Vì thế hôm nay mình sẽ giới thiệu vài món ăn từ đậu đỏ đơn giản, dễ làm để bạn có thể đón thất tịch may mắn, hoan hỉ nhé.
1. Nguồn gốc của lễ thất tịch
Lễ thất tịch gắn liền với câu chuyện tình yêu cảm động của Ngưu Lang, Chức Nữ. Vì cảm động trước tấm lòng chung thủy và tình yêu son sắt của chàng chăn bò nghèo và cô tiên nữ, Vương Mẫu đã đồng ý cho họ được gặp nhau duy nhất mỗi năm một lần. Thời điểm ấy chính là ngày 7 tháng 7 âm lịch.
Vào đêm thất tịch, một đàn quạ lớn sẽ bay lên trời và dệt nên một chiếc cầu bằng thân thể chúng, bắc ngang qua dòng sông thần, gọi là cầu Ô Thước. Nếu trời đổ mưa thì có nghĩa là đàn quạ đã dệt thành công cây cầu tình yêu. Còn nếu thất tịch không mưa thì lại thêm một năm nữa, Ngưu Lang – Chức Nữ lỗi hẹn.
Vì thế Lễ thất tịch vẫn được xem giống như ngày lễ tình nhân của các cặp đôi và cũng là thời điểm để những người độc thân cầu tình duyên may mắn đến với mình
2. Những điều nên tránh trong ngày lễ thất tịch
Người ta vẫn quan niệm, tháng 7 là tháng cô hồn, vì thế trong cả tháng 7 nói chung và trong ngày thất tịch nói riêng, có những điều ông bà ta khuyên vẫn nên kiêng kị để mang lại sự tốt lành.
2.1. Kiêng tổ chức đám cưới
Đám cưới, hỉ sự hay ăn hỏi đều là những chuyện nên tránh vào ngày thất tịch. Bởi lẽ, ngày thất tịch nói về câu chuyện tình yêu đẹp của Ngưu Lang, Chức Nữ nhưng là câu chuyện tình dang dở, chia li.
Vì thế việc tổ chức đám cưới vào ngày này mang điềm xấu về sự li tán, đứt gánh giữa đường. Đó là câu chuyện tâm linh không biết thực hư ra sao. Nhưng ông bà ta vẫn có câu “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì thế cũng không nên dại dột mà thử nghiệm
Hơn nữa, về mặt khí hậu, tháng 7 là tháng thời tiết oi nóng, ngâu nhiều vì thế tổ chức đám cưới cũng sẽ rất bất tiện cho cả gia đình lẫn họ hàng quan khách
2.2. Kiêng xây dựng nhà cửa
Cưới vợ, xây nhà đều là 2 chuyện lớn của đời người. vì thế việc xây nhà dựng cửa người ta thường kiêng làm vào tháng 7. Bởi lẽ, về mặt tâm linh, tháng 7 là tháng cô hồn, nên phần âm khí nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến phần âm trạch.
Về mặt thời tiết, tháng 7 mưa nhiều, mưa lớn nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi công cũng như ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này
2.3. Kiêng làm điều ác
Thực ra ngày nào trong năm cũng nên kiêng điều này để cuộc sống bình an, vui vẻ. Có điều, vào ngày thất tịch điều này được nhấn hơn nữa vì đây là thời gian vui vẻ của Ngưu Lang, Chức Nữ duy nhất trong năm. Vì thế mỗi người vào ngày này cũng nên trao gửi yêu thương, hạnh phúc, nụ cười đến với mọi người xung quanh. Trao yêu thương chắc chắn sẽ gặt lại thương yêu.
3. Những điều nên làm trong ngày lễ thất tịch
3.1. Đến chùa cầu duyên
Vào ngày thất tịch, các đôi trai gái, các nam thanh nữ tú đến chùa cầu duyên đông hơn bao giờ hết. Bởi họ quan niệm rằng câu duyên vào ngày này tình duyên sẽ may mắn, thuận hòa hơn bội phần.
Chùa Hà là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất ở Hà Nội về tình duyên. Vào ngày này, người đến cầu duyên bao giờ cũng nườm nượp. Có người cầu tình duyên may mắn, có người tình duyên lận đận muốn hóa giải xui xẻo, có những cặp vợ chồng đến cầu mong gia đình mãi êm ấm
Đây là 1 nét tâm linh đẹp của người Việt. Sau giờ tan tầm, những cô gái còn độc thân hãy ghé vào một chùa cầu phước lành và may mắn đến với mình trong ngày thất tịch này nhé.
3.2. Ăn các món từ đậu đỏ
Ản đậu đỏ vào ngày thất tịch được xem như một cách để tạo sự may mắn, phước lành. Có lẽ bởi màu đỏ xưa nay vốn tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, cho sự hòa hợp, sự may mắn. Chẳng thế mà để tỏ tình chàng trai thường tặng cô gái đóa hồng đỏ thắm. Trong đám cưới màu đỏ cũng tượng trưng cho hôn nhân hạnh phúc, vui vẻ.
Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến các bạn một vài món ăn đơn giản với đậu đỏ
3.2.1. Chè đậu đỏ hạt sen
Đây là món ăn quen thuộc và dễ dàng nhất nếu bạn muốn ăn đậu đỏ vào ngày thất tịch. Bạn có thể ghé vào bất cứ quán chè nào trên đường cũng đều sẽ có món chè đậu đỏ.
Nhưng nếu rảnh rỗi hơn một chút, các bạn có thể tự tay làm những bát chè đậu đỏ thì chắc chắn sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Đậu đỏ ngâm nước ấm cho hạt đậu nở mềm. Sau đó, đổ đậu ra rổ sạch chà xát, rồi rửa lại với nước trắng. Cho đậu vào nồi, đổ nước xâm xấp ngập hạt đậu rồi đun sôi khoảng 1 – 2 phút thì tắt bếp và rửa lại lần nữa cho thật sạch
- Bước 2: Cho đậu đỏ vào nồi, thêm nước vừa ăn và đun sôi. Đến khi sôi thì vặn lửa nhỏ để đậu thật mềm và tránh bị trào ra ngoài
- Bước 3: Khi đậu đã mềm cho thêm đường vào khuấy đều và liên tục để tránh bị bén nồi. Lượng đường tùy thuộc theo khẩu vị gia đình cũng như lượng đậu đỏ mà các bạn nấu.
- Bước 4: Và thế là các bạn đã có món chè đậu đỏ thơm ngon rồi. Xơi ra bát và thưởng thức các bạn nhé
3.2.2. Cháo đậu đỏ đơn giản
Đây cũng là một món ăn vô cùng quen thuộc và dễ làm. Cháo đậu đỏ là một món ăn rất tốt dành cho các mẹ muốn cải thiện vóc dáng sau sinh cũng như có tác dụng giải độc rất tốt
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Đậu đỏ rửa sạch, ngâm qua đêm. Khi ngâm cho 1 vài hạt muối để khi nấu cháo sẽ nhanh nhừ hơn cũng như muối ngấm vào đậu thì hương vị sẽ đậm đà hơn
- Bước 2: Cho đậu vào nồi nước sôi, nấu đến khi đậu nở mềm
- Bước 3: Gạo vo sạch rồi nấu chung với đậu. Khi gạo đã nở thì đánh nhuyễn gạo với đậu đỏ rồi cho thêm đường và nước cốt dừa để cháo thơm và ngậy hơn
Cách làm cháo đậu đỏ vô cùng đơn giản. Chỉ cần vài bước đơn giản bạn đã có 1 tô cháo thơm ngon, sánh mịn, béo ngậy.
3.2.3. Canh đậu đỏ hầm rau củ
Canh đậu hầm rau củ là một món ăn đơn giản nhưng lại vô cùng bổ dưỡng. Đây cũng món ăn có tác dụng giải nhiệt, giúp cơ thể thanh mát trong mùa hè này. Nguyên liệu cũng như cách thực hiện món ăn này vô cùng đơn giản.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Hạt đậu rửa sạch,loại bỏ những hạt đậu xấu, hỏng rồi ngâm qua đêm. Nếu không thì ngâm đậu với nước ít nhất từ 6-8 giờ. Sau khi ngâm xong, vớt đậu ra, rửa sạch thêm một lần nữa
- Bước 2: Các loại rau củ như hành tây, cà rốt, khoai tây rửa thật sạch sau đó cắt hạt lưu. Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn. Hành lá bỏ rễ, rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Bước 3: Cho đậu vào nồi với 1,5 lít nước. Cho thêm 1 chút muối trắng và 2 lá quế để món ăn thơm và đậm đà hơn. Đun lửa to đến khi sôi rồi vặn nhỏ. Tiếp tục nấu đến khi đậu chín mềm thì tắt bếp,, bỏ lá quế ra
- Bước 4: Đối với rau củ, cho một chút dầu ăn hoặc dầu ô liu vào đảo đều, thêm một chút muối, bột ớt và bột tỏi để món ăn thơm ngon và đẹp mắt hơn. Bạn cũng có thế dùng tỏi tươi băm nhuyễn. Đảo nhanh tay trong khỏang 5 đến 10 phút
- Bước 5: Cho đậu và rau củ vào nồi nước dùng. Bạn nên ninh xương ống để món ăn ngọt và giàu chất dinh dưỡng hơn. Cho thêm 1 chút nước cốt chanh vào nồi nước dùng. Đun nhỏ lửa đến khi các nguyên liệu chín mềm thì múc ra bát và thưởng thức. Món này ăn cơm hay dùng để ăn kèm bánh mì đều rất ngon.
Hãy đến chùa cầu duyên hoặc thưởng thức một món ăn với đậu đỏ để ngày thất tịch cũng như cả năm may mắn, an bình các bạn nhé. Đêm nay hãy cùng ngóng trông xem rút cuộc Ngưu Lang và Chức Nữ có thể đoàn tụ với nhau hay không các bạn nhé.