Thế giới bánh ngọt là niềm yêu thích của các bạn nhỏ, người trẻ. Chúng vừa có vị ngon “gây nghiện”, vừa mang một vẻ ngoài “xinh lung linh” khiến các tín đồ “sống ảo” cũng như những “thánh ăn uống” khó mà cưỡng lại.
Thay vì phải ra tiệm ăn, tại sao chúng ta không tự mua nguyên vật liệu và sáng tạo ngay trong chính căn bếp nhà mình? Điều đó có thể giúp cho bạn cảm thấy vui vẻ, ý nghĩa và thích thú hơn nhiều đấy!
Ngày hôm nay, meohaycuocsong sẽ giới thiệu cho các bạn một số công thức làm bánh Âu. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn tạo ra được những chiếc bánh xinh xắn dành tặng người thân yêu!
Như ở bài trước, chúng mình đã “nói nhỏ” cho bạn công thức làm bánh Macaron kiểu Ý và kiểu Pháp, sau đó là bánh Mousse Blueberry thơm ngon, mát lạnh. Vậy hôm nay, sẽ là món bánh nào đây nhỉ? Cùng đón đọc nhé!
I. Bánh Pavlova
Pavlova là món bánh nổi tiếng ở New Zealand với độ mềm “như mây” cùng những trái dâu tươi ngọt chắc hẳn sẽ khiến các bạn không thể cưỡng lại.
Tại sao chúng ta không đem màu sắc ẩm thực New Zealand vào ngay trong chính căn bếp nhà mình? Nếu ở bài trước, chúng ta đã điểm qua ẩm thực Pháp, Ý thì hôm nay, meohaycuocsong sẽ dẫn dắt bạn trong câu chuyện về chiếc bánh Pavlova – New Zealand. Hứa hẹn sẽ rất nhiều bất ngờ thú vị đó nha!
Món ăn này khác với cái loại bánh khác. Nó không dùng bột mì để tạo nên phần bánh. Pavlova hoàn toàn làm từ kem béo ngậy, kết hợp với một số loại trái cây vị chua để không tạo cảm giác “ngán” khi ăn.
1/ Nguyên liệu:
– 4 lòng trắng trứng lớn, để ở nhiệt độ phòng
– 1 nhúm muối
– 1 và 1/4 cup + 2 tbsp đường xay
– 2 tsp tinh bột ngô
– 1 tsp giấm trắng
– 1/8 tsp tinh chất vani
– Nước cốt nửa quả chanh
– 1 cup heavy whipping cream để lạnh
– Các loại hoa quả có vị chua chua như berry, kiwi
– Dâu tây (Bắt buộc có nhé)
2/ Cách thực hiện:
– Làm nóng lò trước ở nhiệt độ khoảng 180 độ C. Lót giấy vào khay nướng bánh.
– Dùng máy đánh trứng đánh lòng trắng trứng với muối đến khi có được đỉnh mềm. Đánh thêm vào trứng 1 và 1/4 cup đường, cách bạn chỉ cho từng chút đường một vào trứng thôi nhé!
– Đến khi hỗn hợp trứng của chúng ta bông cứng lại và có độ mịn như kem marshmallow thì rây đến bột ngô, thêm giấm và vani rồi trộn qua cho các hỗn hộp đều với nhau.
– Múc trứng lên khay nướng, khéo léo tạo thành khối nhé các bạn
– Cho bánh vào lò và lập túc hạ nhiệt độ lò xuống 150 độ C.
– Nướng bánh trong một giờ rồi tắt lò và cứ để bánh trong lò như vậy đến khi bánh thật là nguội thì lấy ra (khoảng 2 giờ)
– Cắt dâu tây làm bốn miếng nhỏ. Trộn dâu tây với nước cốt chanh và 1 tbsp đường còn lại. Đậy dâu lại, để trong tử lạnh hoặc nhiệt độ phòng cho dâu ngấm phần dung dịch vừa trộn, trong lúc chúng ta hoàn thành nốt chiếc bánh.
– Đánh heavy cream với 1 tbsp đường đến khi kem bông cứng. Phết kem lên mặt bánh, tiếp đến trải đều phần dâu vừa chuẩn bị lên phía trên và đặt các loại quả khác lên trên cùng.
Chú ý: Yêu cầu trái cây tươi, kem bông mịn.
Vừa rồi, meohaycuocsong đã hướng dẫn cho bạn cách làm Pavlova – Một món bánh nhất định phải thử khi tới New Zealand. Món bánh quả thật không quá khó khăn, chỉ cần các bạn tỉ mỉ và cẩn thận một chút trong việc làm kem.
Sau đây, hãy cùng tiếp tục với món bánh Panna Cotta của Ý nhé. Ý từ lâu nổi tiếng với nhiều món bánh tráng miệng cực kì ngon miệng, đẹp mắt và cầu kì trong cách làm. Hãy cùng đón đọc tiếp để biết được cách tạo ra những chiếc Panna Cotta – Món bánh của sự tinh tế.
II. Bánh Panna Cotta
Có rất nhiều hương vị cho Panna Cotta, nhưng mình sẽ giới thiệu 3 hương vị và một cách làm cơ bản thôi nhé: Chanh leo, dâu, xoài. (Bạn nào muốn sáng tạo thêm thì bài viết sau mình sẽ giới thiệu tiếp)
a) Panna Cotta cơ bản:
Trước khi muốn sáng tạo bánh với nhiều hương vị khác nhau, bạn cần nắm được công thức tạo ra một chiếc Panna Cotta cơ bản. Chú ý: Panna Cotta chuẩn ngon thì không được quá lỏng như kem nhưng cũng không quá cứng như thạch. Nó có độ mềm vừa phải, đưa vào miệng bánh sẽ chầm chậm tan ra giúp bạn cảm nhận được độ béo ngậy của kem.
1/ Nguyên liệu:
– 50 ml whipping cream. Bạn có thể mua whipping cream rất nhiều ở các siêu thị nhé.
– 200 ml sữa tươi không đường
– 30 gr đường
– 1 muỗng cà phê vanilla
– 1 muỗng cà phê rượu rum (nếu có)
– 1 lá gelatine (2,5gr).
Chú ý: Whipping cream là loại kem tươi có nguồn gốc động vật, được làm từ sữa bò tươi. Vì vậy nó có độ béo cao, ngậy, thơm.
2/ Cách thực hiện:
– Ngâm lá gelatine trong nước lạnh 10 phút. Nếu bạn dùng bột gelatine thì lấy 50 ml sữa tươi với 25 gr gelatine hòa trong 1 cái chén.
– Cho sữa tươi, whipping cream và đường vào nồi, bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ thôi.
– Khi sữa sôi lăn tăn thì bắt đầu vớt lá gelatine cho vào hòa tan. (Nếu bột thì cho hết chén bột gelatine đã hòa chung với sữa vào), tắt bếp.
– Cho vanilla, rượu rum vào khuấy đều.
– Đổ sữa ra chén/ ly hay khuôn tùy thích. Lấy màng thực phẩm bọc kín miệng ly (cách này làm mặt sữa không bị khô). Sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng cho panna cotta đông từ từ lại
Sau khi làm thành thạo vị Panna Cotta cơ bản rồi, các bạn có thể chuyển qua việc thêm một số hương vị trái cây để món bánh được đặc biệt hơn.
b) Panna Cotta chanh leo:
1. Chuẩn bị nguyên liệu:
– 100ml sữa tươi
– 150ml kem tươi
– 3 lá galatin
– 5ml tinh chất vani
– 3 quả chanh dây
– 100gr đường
2. Cách thực hiện:
– Chanh dây bạn bổ đôi, nạo lấy phần ruột rồi cho qua rây lược lấy nước cốt chanh dây. Phần hạt bạn chớ bỏ đi vội, giữ lại để trang trí nhé.
– Chia đôi phần lá gelatin để ngâm vào âu nước cho mềm, vớt lá gelatin ra rồi cho vào phần nước chanh leo vừa rây được.
– Thêm 50g đường (tùy sở thích độ ngọt bạn cho đường nhé). Sau đó đặt nồi nước chanh leo lên đun nhỏ lửa, khi đường tan thì tắt bếp.
– Đổ chanh leo vào cốc thủy tinh, nếu bạn thích tạo hình thì có thể để cốc nghiêng một bên nhé. Để chanh leo vào ngăn mát tủ lạnh đợi đông.
– Tương tự bạn ngâm lá gelatin còn lại vào 100ml sữa tươi cùng 150ml kem tươi, 50g đường. Khuấy đều lên bếp để đường tan.
– Cho cốc chanh dây ra rồi đổ phần sữa lên rồi lại để ngăn mát thêm 2 giờ nữa.
Vậy là món Panna Cotta chanh dây đã hoàn thành. Bạn trang trí và thưởng thức thôi nhé!
c/ Panna Cotta dâu:
1/ Nguyên liệu:
Làm Panna Cotta:
– 400 g kem
– 34 g đường
– 2 g vani
– 30 g sô cô la trắng, xắt nhỏ
– 7 g gelatin
– 47 ml nước lạnh
– 65 g kem fraiche (loại kem có từ 30-45% chất béo)
Làm thạch dâu tây:
– 50 g dâu tây xắt nhỏ
– 25 g đường
– 20 ml nước
– 5g gelatin
– 30 ml nước lạnh
Làm sốt dâu tây:
– 140 g dâu tây xắt nhỏ
– 70 g đường
– 2 g vani
– 15 g tinh bột ngô
– 15 ml nước
2/ Cách thực hiện:
Làm phần Panna Cotta:
– Cân kem và đường rồi cho vào một bát. Hòa tan gelatin trong một bát nhỏ. Sô cô la trắng xắt nhỏ.
– Cho kem fraiche ra một bát nhỏ
– Cho kem, đường và vani lên bếp đun ở ngọn lửa vừa, khuấy liên tục và khi sôi thì tắt bếp.
– Đổ một lượng nhỏ hỗn hợp kem nóng vừa đun sôi và kem fraiche và đánh đều cho đến khi chúng quyện vào nhau.
– Đổ hỗn hợp kem này vào lại nồi và khuấy đều, thêm sô cô la trắng, khuấy cho tan chảy ra, sau đó thêm gelatin vào và khuấy cho đến khi tan chảy.
– Sau đó, đổ hỗn hợp này vào khuôn, đặt vào tủ lạnh, vậy là xong phần panna cotta
Làm phần thạch dâu tây:
-Cho dâu tây đã làm sạch và đường vào máy xay, xay nhuyễn. Thêm 20 g nước.
– Hòa tan gelatin trong 30 g nước lạnh.
– Đặt dâu tây đã xay vào trong một cát bát nước nóng ở trên bếp. Khi hỗn hợp đủ nóng để hòa tan được gelatin thì cho gelatin vào, khuấy cho đến khi gelatin tan chảy. Để nguội một chút.
– Khi panna cotta đã đông, đổ lớp hỗn hợp thạch dâu tây lên trên mặt khuôn panna cotta. Cho vào tủ lạnh cho đến khi chúng đông hoàn toàn.
Làm mứt dâu tây:
– Nghiền dâu tây kèm với đường. Rồi cho vani vào. Cho lên bếp đun ở ngọn lửa vừa. Đun sôi và khuấy liên tục.
– Hòa tinh bột ngô với nước rồi cho thêm vào nồi hỗn hợp dâu tây, đun sôi, sau đó cho ra để nguội.
– Khi ăn, cho panna cotta ra khỏi khuôn, rưới mứt dâu tây đều lên panna cotta hoặc để xung quanh rồi thưởng thức
d/ Panna Cotta xoài:
1/ Nguyên liệu:
– Phần xoài: 100 gr xoài xay nhuyễn
– 80 gr kem whipping
– 20 gr đường
– 2 gr bột gelatin
– 1 muỗng canh nước cốt chanh
– Phần cốt dừa: 100 ml nước cốt dừa
– 30 gr đường
– 2 gr gelatin
– 1/2 muỗng cà phê vani.
2/ Cách thực hiện:
– Trước tiên, lá gelatin cần ngâm vào nước đá lạnh 15 phút. Sau đó vớt ra bát, chưng cách thủy rồi chia làm 2 phần bằng nhau để làm 2 lớp panna cotta.
– Đường và xoài cho vào máy sinh tố xay nhuyễn.
– Sau đó cho kem và nước cốt chanh vào trộn chung, cuối cùng đổ 1 phần gelatin vào khuấy đều.
– Cho hỗn hợp này vào từng hũ nhỏ (1/2 hũ). Để vào ngăn mát tủ lạnh cho nhanh đông
– Nước cốt dừa, đường cho vào nồi nấu lửa thấp. Khi sữa nóng, đường tan là tắt bếp. Cho vani và phần gelatin còn lại vào khuấy đều. Đổ hỗn hợp này vào hũ xoài.
– Sau đó cho panna cotta xoài vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng trước khi ăn.
– Khi dùng, bạn cắt ít xoài để lên mặt hũ panna cotta, tạo điểm nhấn hấp dẫn trước khi thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm chung cho các món Panna Cotta:
– Có màu trắng đục, mịn như sữa
– Có vị mềm, mát lạnh, béo ngọt
– Độ đông vừa phải, độ béo, ngọt cũng vừa phải
Do vị ngọt và béo của Panna Cotta nên người ta thường ăn kèm với hoa quả tươi, chocolate hoặc caramen khi thưởng thức bánh.
Tạm biệt nước Ý xinh đẹp với những chiếc Panna Cotta thơm ngon. Chúng ta hãy cùng ghé thăm trở lại nước Pháp trứ danh với hàng tá các loại bánh ngọt hảo hạng, sang trọng nhé!
III. Bánh sừng bò:
1/ Nguyên liệu:
– 400 g bột mỳ
– 230 g bơ nhạt (để cán)
– 40 g bơ nhạt (để nhào với bột)
– 180 ml sữa tươi (hoặc 60 g whipping cream + 100 ml sữa tươi không đường)
– 30 ml nước ấm
– 50 g – 60 g đường
– 7 g muối
– 9 g men khô (dry yeast)
– 1 quả trứng gà
– 1 thìa cà phê dầu mè
– 1 lòng đỏ trứng (để phết mặt bánh)
2/ Cách thực hiện
– Hoà men khô với 30 ml nước ấm (khoảng 5 phút để men nở)
Sau đó trộn bột mỳ, đường, muối, sữa tươi, lòng đỏ với hỗn hợp men khô
– Tiếp tục nhào với 40 g bơ đến khi bột dẻo trở thành một khối đồng nhất.
– Để vào tô bịt kín bằng màng bọc thực phẩm và ủ bột trong vòng 1 tiếng
– Cho 230g bơ vào túi nilon có khoá và cán đều. Sau đó để tủ lạnh 30 phút.
– Sau 1 tiếng lấy bột ra, bột nở to. Sau đó rắc bột lên bàn, đặt miếng bột vào, đấm cho hết bọt khí, nhào qua và bắt đầu cán dài ra và gấp làm 3, bọc màng bọc rồi cất tủ lạnh 15 phút
– Sau 30 phút, Lấy bơ trong tủ lạnh, dùng dao cắt xung quanh và gỡ túi nilon ra.
– Sau đó lấy bột và cán mỏng, đặt bơ vào 1 bên hỗn hợp bột đã cán và gập đôi lại; bím xung quanh viền cho kín. Rồi để vào tủ lạnh ủ 30 phút
– Sau 30 phút lấy ra. Cán dài và gấp lại làm 3. Bọc màng bọc và cất tủ lạnh 30 phút nữa
(Chú ý mỗi khi cán xong phải lấy chổi quét sạch bột phủ, rồi mới gấp bánh)
– Lấy hỗn hợp bột ra cán lần 2 và cũng gấp làm 3. Bọc kín, rồi cất tủ lạnh 30 phút (lặp lại tương tự lần thứ 3)
– Sau khi cán lần 3 xong, cất tủ lạnh khoảng 6 – 7 tiếng. Mang ra cán bột (dần bột từ giữa ra ngoài 2 đầu và cán mỏng 1cm)
– Cắt bột thành 12 hình tam giác (cắt hình chữ nhật rồi cắt chéo để tạo hình tam giác).
– Cắt khía ở đáy tam giác để nặn bánh
– Nặn bánh, tạo hình. Cuộn từ phần đáy tam giác đến đỉnh. Và uốn hơi cong hai đầu.
– Lòng đỏ trứng với thìa cà phê dầu mè đánh đều, rồi phết lên bánh. Rắc hạnh nhân lát
– Nướng bánh ở nhiệt độ 140 – 150 độ. 10 phút đầu nướng 150 độ. Sau đó giảm xuống 140 độ. Tổng thời gian nướng trong 20-30 phút với chế độ 2 lửa (trên và dưới)
Yêu cầu thành phẩm: xốp, giòn, dai nhiều lớp, rỗng ruột.
Chú ý: Nếu không dùng hết các bạn đóng túi kín để ngăn mát. Khi nào ăn các bạn có thể nướng lại hoặc quay vi sóng một chút là ăn ngon rồi
Bạn có thể sáng tạo thêm nhân cho bánh. Ví dụ: Bánh sừng bò trứng muối, hay phô mai,…
Sau đây, mình có một vài lưu ý khi làm bánh sừng bò cho các bạn:
1. Tính chất bột:
– Croissant là một loại BÁNH MỲ ngàn lớp, vậy nên trong phần bột sẽ có men, bánh nướng xong sẽ dai và có thể xé thành các thớ.
– Các bạn đừng nhầm lẫn với vỏ pateso và tart trứng ngàn lớp nhé. Vỏ 2 loại bánh này không có men nên khi nướng lên chỉ giòn rụm, không có độ dai của bánh mỳ.
– Gọi là ngàn lớp là bởi khi nướng xong, bột bánh sẽ tách thành rất rất nhiều lớp, có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.
– Có được điều này là do có 1 lớp bột 1 lớp bơ xen kẽ nhau nên các lớp bột không bị dính vào nhau, khi nướng, bơ chảy ra và bột sẽ tách lớp vô cùng đẹp mắt.
2. Bơ – thành phần không thể thiếu:
– Có một điều cực đơn giản là nếu bạn chọn loại bơ ngon thì bánh của bạn cũng sẽ trên cả tuyệt vời vì bơ chiếm tới 50% trong công thức bánh. Bơ bao giờ cũng là nguyên liệu quan trọng khi làm.
– Bên cạnh đó cũng lưu ý chọn loại bơ có độ dẻo dai, lâu chảy thì quá trình cán sẽ đỡ vất vả hơn. Và bơ luôn phải được giữ lạnh trong quá trình cán.
– Một lưu ý cực quan trọng là không được phép rã đông bơ ở nhiệt độ phòng, bơ sẽ bị chảy nhão ngay khi cán. Nếu bơ để đông đá các bạn phải rã đông trước 1 ngày bằng cách cho xuống ngăn mát tủ lạnh.
– Các loại bơ mà chúng mình khuyên dùng: bơ president, bơ alla,…
– Không nên dùng các loại bơ thực vật vì bơ này không thơm ngậy và rất nhanh chảy
3. Cán bột
Đây là phần quan trọng nhất, quyết định nên sự thành bại của chiếc bánh.
– Nhiệt độ cán lý tưởng nhất là dưới 22 độ C, nên là nếu có điều kiện các bạn có thể vào phòng máy lạnh bật nhiệt độ dưới 22 độ C rồi cán.
– Khi mới tập tành làm, các bạn nên vẽ kích thước của miếng bột và miếng bơ ra giấy nến trước rồi cán bằng với kích thước đã vẽ thì bánh sẽ chuẩn kích thước.
– Lý tưởng nhất là chiều rộng của bơ và bột bằng nhau, chiều dài của bột gấp đôi của bơ. Khi cán phải làm nhẹ nhàng, lực cán vừa phải để tránh làm rách bột.
– Trong quá trình cán bột và bơ luôn phải được giữ lạnh, có như vậy bột mới săn chắc, bơ không bị chảy nhão. Nếu thấy khối bột mềm, không còn săn chắc, bơ có dấu hiệu chảy nhão, lập tức ngừng cán và cho vào ngăn mát tủ lạnh 20-30p cho bơ và bột săn trở lại. Nếu các bạn cố cán sẽ không thành công.
Vừa rồi là những lưu ý nếu bạn muốn có những chiếc bánh sừng bò ngàn lớp thật xinh xắn và chuẩn ngon! Chúc các bạn thành công!
Vậy là qua bài viết hôm nay, meohaycuocsong đã giới thiệu thêm cho các bạn 3 món bánh nữa vô cùng nổi tiếng. Đó là bánh Panna Cotta (Ý), bánh Sừng bò (Pháp), và bánh Pavlova (New Zealand). Mỗi loại bánh đều có hương vị và cách thức đặc biệt để tạo ra nó. Hy vọng các bạn sẽ xắn tay áo lên và thực hành ngay cho “nóng”. Thành phẩm tạo ra sẽ như ý để dành tặng những người thân yêu, các bạn nhé!
Đây mới chỉ là phần 2 của chuyên đề “Những món bánh Châu Âu” thôi. Mong các bạn sẽ luôn theo dõi, ủng hộ và “share” rộng rãi cho nhiều người cùng biết nha. Chúc các bạn thành công!