Bún là một món ăn quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Ở mỗi vùng miền, chúng ta lại có những món bún đặc trưng khác nhau. Song tất cả đều gợi nhớ hương vị quê hương, để lại dấu ấn khó phai khi đã có dịp thưởng thức. Tùy vào khẩu vị, nguyên liệu phổ biến, cách sáng tạo mà từ Bắc chí Nam, người dân đều có thể chế biến ra những món bún khác nhau.
Đôi khi chúng ta cần thay đổi khẩu vị, thay vì ăn cơm mãi thì cũng nên chuyển qua ăn bún. Bún cũng làm từ gạo, cũng mang đậm tình cảm quê hương, vừa dân dã, vừa dễ ăn.
Bún chủ yếu xuất hiện trong bữa sáng của người dân. Tuy nhiên, vào những dịp đặc biệt hay cuối tuần, cả nhà có thể thay đổi thực đơn bằng món bún.
Vậy thì hôm nay, mình sẽ giới thiệu cho các bạn cách nấu một số món bún đặc trưng ba miền.
Bún thang Hà Nội
Bún thang là một trong số những món ăn được chế biến cầu kì và nhiều nguyên liệu nhất. Nó chính là món ăn đặc trưng, thể hiện văn hóa Tràng An. Để nấu được món này, bạn phải thực sự tỉ mỉ và nắm bắt công thức thật chi tiết.
Một trong những yêu cầu quan trọng của cách nấu bún thang ngon chính là nguyên liệu. Phải lựa chọn cầu kỳ, tỉ mỉ từng loại nguyên liệu dù là nhỏ nhất mới có thể làm nên một món bún ngon.
I. Nguyên liệu:
+ 1/2 con gà ta
+ 2 quả trứng gà hoặc trứng vịt
+ 100g giò lụa
+ 500g xương ống heo
+ 1.5kg bún (với món bún thang bạn nên chọn loại bún sợi nhỏ)
+ 100g tôm khô, sá sùng hoặc râu mực khô
+ 200g tôm sú
+ Hành lá, rau răm, hành khô, gừng nướng, nấm hương, củ cải khô
+ Nước mắm, bột canh, mắm tôm ngon, đường phèn, giấm và đường cát trắng.
Cách nấu:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, các bạn bắt tay vào thực hiện các bước nấu bún thang trong cách nấu bún thang ngon dưới đây:
– Gà ta: mua về rửa sạch rồi đem luộc chín. Lưu ý, khi luộc nên cho một chút gia vị cùng hành khô, gừng nướng vào để thịt gà chín sẽ thơm, đậm đà hơn.
– Gà chín vớt ra bát nước lạnh để thịt săn lại rồi xé hoặc thái miếng nhỏ
– Phần xương ống heo: rửa sạch, luộc qua với nước rồi rửa sạch vụn xương sau đó rang lên cùng chút gia vị. Xương chín thấy có mùi thơm thì đổ nước vào ninh đến khi xương mềm thì chắt lấy phần nước.
– Tôm khô: rửa sạch với nước rồi cho vào chảo rang thơm lên, sá sùng hoặc râu mực đem nướng chín để tăng hương vị cho nước dùng bún thang.
– Lấy phần tôm khô, râu mực hay sá sùng vừa sơ chế cùng chút đường phèn cho vào nồi nước luộc gà rồi ninh khoảng 2 – 3 tiếng. Khi nào chuẩn bị ăn thì cho thêm phần nước xương ống heo hầm lúc trước vào là được
– Nước dùng: chính là yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn của món bún thang vì thế bạn cần hết sức lưu ý nhé.
– Trứng gà hoặc trứng vịt: đem đánh tan rồi tráng mỏng, thái chỉ.
– Tôm sú: luộc lên rồi bóc vỏ, giã nhỏ và rang chín vàng với dầu ăn, nước mắm để có món ruốc tôm đậm đà, thơm ngon.
– Giò lụa: thái chỉ.
– Phần củ cải khô: đem ngâm với nước ấm rồi rửa lại với nước lọc đun sôi để nguội. Trộn củ cải với giấm và đường trắng rồi để trong vòng 30 phút.
– Rau răm, hành lá: thái nhỏ.
– Khi ăn, chần bún qua nước sôi rồi cho vào bát tô, xếp các loại nhân đã chuẩn bị ở trên như: Trứng rán thái chỉ, giò lụa thái chỉ, ruốc tôm sú, thịt gà xé phay,… rồi chan nước dùng vào là hoàn thành.
Lưu ý: Một bát bún chuẩn vị phải có nước dùng trong veo, ngọt đậm đà, mùi thơm nồng của tôm, vị ngọt đậm của thịt gà ta, chút béo ngậy của trứng rán và hương thơm của các loại nguyên liệu khác đi kèm.
Bún chả Hà Nội
I. Nguyên liệu: (14 nguyên liệu, dành cho 4 người ăn với số lượng ghi tại đây)
– 500 gr thịt ba chỉ
– 5 cây sả
– 1 trái chanh
– 100 gr rau (rau sống tùy thích)
– 2 muỗng canh đường trắng
– 1 muỗng canh nước màu
– 1 muỗng cà phê giấm
– 500 gr thịt nạc vai
– 4 củ hành tím
– 1 củ cà rốt
– 4 muỗng cà phê hạt nêm
– 3 muỗng cà phê bột ngọt
– 3 muỗng canh nước mắm
– 2 trái ớt
II. Quy trình chế biến:
– Thịt: Thịt mua về bạn rửa sạch với muối, sau đó thái thịt ba chỉ thành những miếng mỏng to bản. Còn phần thịt nạc vai thì đem xay hoặc băm nhuyễn.
– Sả: lột bớt lớp vỏ cứng bên ngoài, thái khoanh. Xay nhuyễn sả. Sau đó vắt sả để lấy nước.
– Hành khô và tỏi: Xay nhuyễn
Ướp thịt: Ướp thịt theo tỷ lệ: 1 kg thịt : 3 thìa cà phê hạt nêm : 3 thìa đường : 3 thìa bột ngọt. Thêm vào 1 thìa canh nước hàng (nước màu), 1 thìa canh nước mắm.
Phần gia vị ở trên bạn chia làm 2 phần, hành tỏi xay nhuyễn và nước sả. Một phần bạn ướp với thịt xay nhuyễn. Phần còn lại ướp với thịt cắt miếng. Nếu có thời gian thì nên ướp gia vị trước một đêm, để trong tủ lạnh thì thịt sẽ thấm rất ngon.
( cứ mỗi một kg thịt thì các bạn cho một thìa nước cốt chanh vào trộn đều trước khi đem nướng nhé. Như thế thịt sau khi nướng sẽ mềm hơn )
– Bào vỏ cà rốt và đu đủ rồi cho vào ngâm với nước muối đã pha loãng. Tiếp đó, cắt đu đủ và cà rốt thành những miếng mỏng.
– Tiếp theo bạn cho 1/2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê giấm, 1 muỗng cà phê hạt nêm, chanh, ớt vào trộn đều với đu đủ cà rốt, nếm có vị chua ngọt vừa miệng.
– Lần lượt xếp thịt đã ướp gia vị lên vỉ nướng. Viên thịt băm thành những viên nhỏ vừa ăn. Các bạn có thể nướng bằng lò hoặc bằng than, nhưng ngon nhất vẫn là nướng trên bếp than hoa.
Chú ý: Trong quá trình nướng nhớ phết dầu ăn lên mặt thịt để thịt không bị khô.
– Thịt nướng chín thơm để ra đĩa hoặc âu đựng. Pha nước chấm ngon: cho 5 nước : 2 nước mắm : 1 nước cốt chanh : 1,5 đường vào hòa tan, rồi thêm ớt và tỏi bằm vào.
( Công thức này có thể xê dịch tùy vào loại nước mắm các bạn dùng độ mặn thế nào. Làm xong nhớ nếm lại để điều chỉnh cho thích hợp, để nước chấm có vị chua, mặn ngọt dịu nhẹ hài hòa )
Trình bày:
– Cho nước chấm đã pha vào nồi đun ấm. Rửa sạch các loại rau sống. Dọn bún, rau ra dĩa, cho chả, dưa đu đủ cà rốt vào nước chấm và thưởng thức.
Bún cá Đà Nẵng
I. Nguyên liệu:
– 3 con cá nục bông hay 1 con cá ngừ hay cá thu (khoảng 1 ký)
– 3 trái cà
– 1/2 trái thơm
– 1 ít ớt xanh
– 1 muỗng mắm ruốc
– bột nêm, muối, mắm, bột ngọt, ớt bột, tiêu
– hành tím
– dầu ăn
– ngò
II. Quy trình thực hiện:
– Cá: rửa sạch, bỏ ruột, cắt khúc
– Cà chùa: cắt múi cau
– Thơm: gọt vỏ, cắt mỏng
– Hành tím: Băm nhỏ, khử với dầu cho thơm rồi cho chút ớt bột vô lấy màu cho đẹp
– Cho thơm, cà vô xào hơi chín
– Cho cá vô um nhỏ lửa, cho bột nêm, muối, mắm, tiêu, ớt xanh mì chính cho thấm, rồi đổ nước vô nấu sôi. Hòa mắm ruốc với chút nước sôi, để yên cho xác ruốc lặn xuống rồi lấy nước trong cho vô nồi cá. Nêm vừa mặn để ăn bún
– Cho bún ra tô, múc nước lèo và cá, rắc hành ngò tiêu lên ăn
Bún mắm Đà Nẵng
I. Nguyên liệu:
– 500 g bún sợi nhỏ
– 200 g thịt heo quay hoặc thịt heo luộc ba rọi
– Mắm nêm
– Đậu phộng rang tách hạt (ko giã)
– Mít non (nếu có)
– 1 miếng thơm nhỏ, vài tép tỏi, đường, chanh, tương ớt Hội An
– Rau sống: Xà lách, húng lủi, giá sống, dưa leo, rau thơm các loại tuỳ thích, đu đủ bào (nếu có)
II. Quy trình chế biến:
– Thịt: luộc chín với chút muối. Luộc xong vớt ra cho vào nước lạnh, ngâm đến khi thịt nguội hẳn, như vậy thịt sẽ trắng, ko bị thâm.
– Vớt thịt ra để ráo rồi xắt lát mỏng
– Bạn có thể dùng thịt heo quay chặt miếng nhỏ vừa ăn. Hoặc tai heo luộc xắt mỏng cũng ngon. Một số quán bây giờ còn thêm chả bò, nem chua
– Rau sống: nhặt rửa sạch và cắt nhỏ.
– Dưa leo: xắt mỏng nhỏ
– Nếu mua được mít non, bạn đem xắt miếng mỏng, luộc chín, ngâm nước lạnh cho trắng, để ráo rồi bằm nhỏ. Nếu có đu đủ xanh, bạn bào sợi mỏng trộn vào rau sống
– Phần quan trọng nhất của món này chính là mắm nêm! Ai ở ĐN đều biết mắm nêm Dì Cẩn ngon nổi tiếng. May là bây giờ bắc trung nam gì cũng có đại lý phân phối món mắm thần thánh này, bạn có thể tìm trên FB sẽ thấy
– Phi một ít hành tím để lát nữa chan lên mắm, phi cho hành vừa vàng nhẹ thì tắt bếp, đừng để cháy. Dầu hành sẽ làm mắm dậy mùi, và khi chan vào bún sẽ ko bị khô.
– Pha mắm: Băm nhuyễn 1 miếng thơm nhỏ (khoảng 1 muỗng canh), giã nhuyễn vài tép tỏi (khoảng 2 muỗng cafe) cho vào chén cùng với 2 muỗng canh mắm nêm, 1 muỗng canh nước sôi (nếu thích ăn mặn thì khỏi thêm nước), 1 muỗng canh đường hoặc ít hơn.
Khuấy đều. Mắm nêm Dì Cẩn pha sẵn trong chai, đã có ớt nên ko cần thêm ớt tươi. Mắm hơi mặn nên bạn thêm nước sôi và đường tuỳ ý để nhạt bớt cho vừa miệng. Tuy nhiên đừng pha nhạt quá, khi chan vào bún sẽ trật vị. Ko cần thêm chanh!
– Cho dầu hành đã phi ở trên lên chén mắm, nếu có dầu điều, bạn thêm vào một ít để có màu đẹp
– Cho rau vào tô, xếp bún lên trên, cho thịt lên mặt bún. Chan mắm vào rồi rắc đậu phộng rang lên trên là xong!
– Thay thịt heo bằng tai heo luộc cũng ngon lắm nha. Tai heo luộc chín nhớ ngâm nước lạnh cho trắng và giòn
– Nếu muốn ăn cay nhiều, bạn giã thêm ớt tươi vào mắm, hoặc ngon nhất là thêm vào tô một ít tương ớt Hội An
Sau khi khám phá 4 món bún đến từ 2 miền Bắc – Trung thì chúng ta hãy cùng đến với miền Nam thân yêu ngay nào!
Canh bún Nam Bộ
Thật ra món ăn này có nguồn gốc từ miền Bắc, nhưng từ lâu đã trở thành món ăn nổi tiếng trong miền Nam. Người dân trong Nam có cách biến tấu độc đáo, có một số thay đổi trong khâu chế biến. Vậy chúng ta hãy cùng tham khảo nhé!
I. Nguyên liệu:
- Nửa kí xương heo
- Nửa chén tôm khô
- 1 kg cua đồng
- Nửa chén thịt heo xay (có thể thêm vào đây tôm tươi hoặc cua tùy thích)
- 2 hột gà
- 2 muỗng cafe dầu màu điều
- 2 trái cà chua
- Đậu hũ, huyết heo, chả lụa
- Rau ăn chung: rau muống, hẹ, hành lá, rau thơm (tùy thích)
- Hành củ băm, tiêu, Ớt băm,
- 2 muỗng canh mắm tôm, me vắt, và các gia vị thông thường.
II. Quy trình chế biến:
Sơ chế:
– Tôm khô: cho vô nước ấm ngâm nở, rửa sạch, sau đó xay nhuyễn hoặc giã nát.
– Huyết: rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
– Đậu hũ: cắt thành những khối vuông, chiên giòn.
– Nhặt rau muống, ngâm với nước muối pha loãng, để ráo. Bắc nồi nước lên bếp, cho chút muối, dầu ăn để luộc rau muống. Khi rau chín, đổ ra rổ, xóc nhẹ cho ráo nước rồi ngâm trong nước đá lạnh, dể ráo.
– Rau thơm: nhặt sạch, rửa sạch, để ráo.- Hẹ: nhặt sạch rồi đem rửa với nước, cắt nhỏ.
– Cho me chín vào chén, đổ khoảng 100 ml nước sôi, dầm lấy nước cốt me.
– Rửa sạch cà chua, bổ múi cau.
– Hòa mắm tôm với chút nước lạnh, lọc hết cát bẩn, để riêng
Cách nấu:
Làm riêu cua:
– Cua đồng mua về rửa sạch, tách mai, lấy gạch để riêng. Cho vào cua một ít muối, bột ngọt sau đó cho vào cối giã nhuyễn, lấy nước lọc trộn với phần cua đã xay, rồi từ từ đổ qua rây để lọc lấy nước cho vào nồi.
– Đỗ bã cua xay từ rây vào tô, cho thêm nước vào , dùng đũa khuấy nhẹ cho thịt cua còn lại rã ra và tiếp tục lọc nước cua lần 2.
– Đặt nồi nước thịt cua lên bếp, bật lửa nhỏ. Trong lúc đun nhớ khuấy đều tay, khi nồi nước nóng thì không khuấy nữa để thịt cua đông lại thành từng mảng. Tiếp tục đun đến khi nước sôi, thịt cua nổi lên thì tắt bếp, vớt thịt cua ra tô.
– Lần lượt cho thịt xay, tôm khô giã nhuyễn, trứng vào tô thịt cua. Thêm ít hành tím bằm, tiêu, bột ngọt. Trộn đều các nguyên liệu trên. Lấy một nồi khác, hấp cách thủy hỗn hợp vừa trộn để thành riêu cua. Lưu ý, sau khi hấp chín riêu (khoảng 15-20 phút), bạn mở nồi, rưới gạch cua lên rồi hấp thêm 2 phút để tạo màu, và mùi thơm hấp dẫn cho món rêu cua.
Nấu nước dùng:
– Xương heo mua về chặt thành khúc, rửa sạch. Bỏ vô nồi nước sôi sẵn chần sơ cho ra chất bẩn. Đồ nước đó đi.
– Xương đem xả lại vài lần nữa cho sạch. Bắc nồi nước lần nữa cho xương vào đun sôi hầm lấy nước lèo.
Nấu canh bún:
– Bắc nồi nhỏ lên bếp, cho 2 muỗng cafe dầu điều và ít hành củ xắt lát vào phi thơm, sau đó đổ 1/2 chén nước từ nồi nước lèo hầm bên kia qua. Sau đó đổ nồi này vào lại nồi nước lèo cùng với bát mắn tôm đã lọc hết bẩn.
– Khi nồi nước sôi thì nêm vào nồi 2 thìa muối, 1 thìa đường. Khi nồi nước dùng sôi lần nữa thì bạn lần lượt cho đậu hũ, huyết heo, cà chua vào nồi rồi nêm nếm lại cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Trình bày:
– Khi ăn, bạn trụng nóng sợi bún to với nước sôi rồi cho vào tô, dùng thìa múc một miếng riêu cua lên trên rồi dùng vá lần lược múc nước cùng với nguyên liệu như huyết, đậu hũ, cà chua trong nồi nước dùng vào.
– Cho rau muống luộc và hẹ lên trên. Món này điểm chút vị chua mới ngon, bạn dùng me dầm ra lấy nước cốt, không thì dùng chanh cũng được
– Nhớ nêm thêm một ít ớt và mắm tôm cho dậy mùi trước khi ăn. Món ăn này ăn nóng mới ngon đấy nhé!
Bún riêu cua miền Nam
Nếu như ở ngoài Bắc có bún cua, bún ốc thì trong Nam, món bún riêu cua cũng đặc biệt không kém.
I. Nguyên liệu:
– 500 gram cua đồng
– 3 bìa đậu phụ
– Cà chua
– Hành lá, rau mùi
– Bún
– Bột canh, nước mắm, dầu ăn, mắm tôm, số lượng tùy khẩu vị mỗi gia đình
Các bước nấu riêu cua đơn giản:
– Cua tươi rửa sạch rồi bóc mai bỏ riêng, bóc bỏ phần yếm và miệng cua để loại bỏ chất nhầy trong cua. Bẻ đôi con cua thành 2 phần rồi chỉ việc cho vào cối giã. Dùng đầu tăm gạt gạch cua (Phần màu vàng) trong mai bỏ vào bát.
– Dùng cối giã cua sao cho thật nhuyễn. Tiếp đến cho 1,5 lít nước lọc vào phần cua trong cối, sau đó cho cả nước lẫn xác của phần cua giã đó vào rây để lọc lấy nước cua, lấy phần nước này đổ vào nồi. Giã và lọc cua 2 đến 3 lần để có được nồi nước dùng riêu cua ngon nhất.
– Thêm một lưu ý nhỏ cho các bạn lần đầu làm cua nè: Nồi nước cua sau khi lọc không dùng ngay mà để yên trong khoảng 10 phút cho các chất cặn, bã cua lắng xuống đáy, sau đó chắt lấy phần nước trong sang nồi khác, phần nước này đem đi nấu món riêu cua.
Cách nấu:
– Cho vào nồi nước cua 1 muỗng cà phê muối trắng, bật lửa nhỏ và đậy hờ nắp vung hoặc không cần đậy lý do là bởi khi đậy quá kín mà quên lúc riêu cua sôi, các dưỡng chất phần thịt cua trào ra mất đi những phần dinh dưỡng.
– Trong khi chờ nước cua sôi, cắt đậu phụ thành từng khúc bằng nhau đem đi chiên vàng. Trước khi rán, mẹo hay cho bạn là nên cho một chút muối trắng và để chảo dầu thật nóng già rồi mới chiên, dầu không té ra ngoài mà đậu nhanh vàng và giòn hơn tăng thêm phần hấp dẫn cho món riêu cua nhà mình.
– Nhớ khi đun riêu cua này, bạn cần để lửa cho nồi nước dùng nhỏ lửa dần dần, như thế phần riêu cua kết tủa thành từng mảng rất ngon và đẹp.
– Sau khi sôi hẳn thì vớt những phần cục riêu này ra. Trước giờ ai thắc mắc làm sao để có mảng riêu cua hấp dẫn đẹp mắt thì đây là cách dễ dàng nhất cho bạn rồi nhé. Tuyệt đối không nên dùng đũa khuấy nồi riêu cua khi đang sôi vì dễ dẫn tới tình trạng phần riêu không đóng cục, món bún riêu cua không đẹp mắt.
– Tiếp tục thả những lát cà chua bổ múi cau vào nước dùng. Phi hành băm thật thơm, cho gạch cua vào xào cho thơm, thêm một chút màu dầu điều lấy màu cho tô bún thêm đẹp. Gạch cua chín thì cho toàn bộ vào nồi nước dùng cua đang sôi bên cạnh.
– Sau cùng, nêm gia vị cho nồi nước dùng: 3 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng bột nêm, 1 muỗng bột ngọt. Để tăng thêm vị chua, mẹ có thể cho thêm giấm ăn hoặc nước cốt chanh sau khi bắt ra. Nêm nếm xem nước dùng đã vừa chưa và trút phần đậu hũ vào cuối cùng.
Lưu ý: món này ăn nóng sẽ càng hấp dẫn nhé!
Vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn cách nấu 6 món bún tượng trưng cho 3 vùng miền rồi. Còn chần chừ gì mà không bắt tay vào thực hiện ngay? Chúc mọi người thành công và hãy luôn ủng hộ, chia sẻ cho monngondongian nhé!