Rau muống luộc, đúng vậy, là rau muống luộc nhé!
Bài viết này là một loạt các chiêu nhỏ giúp cho người mới bắt đầu nấu ăn một cách hiệu quả hơn. Nếu đó chỉ là món rau luộc đi chăng nữa thì tôi tin đó cũng sẽ là món rau luộc ngon nhất mà bạn từng ăn, từng nấu và từng khám phá.
Ôi cái tiêu đề, nó có nghĩa là gì nhỉ! “Luộc rau ngon liệu có cần giỏi lý sinh hóa?” là một câu hỏi cũng đồng thời là một chia sẻ khá thách thú vị mà tôi nhìn thấy trên facebook của mình. Với tư cách là một người thích nấu ăn, đồng thời cũng mong muốn giúp mọi người nấu ăn một cách vui vẻ và hiệu quả, tôi luôn muốn đưa đến cho bạn đọc những trải nghiệm thú vị mà rất có thể bạn đã biết thừa. Nhưng dù sao, chúng ta cũng phải công nhận với nhau rằng, khá nhiều người trong chúng ta rất tệ trong khoản nấu nướng. Vậy thì tại sao, chúng ta không cùng giúp nhau nhỉ?
Quay trở lại vấn đề nào, câu trả lời của bạn là gì? Liệu rằng, Stephen Hawking, Albert Einstein, Isaac Newton hay Galileo Galilei có phải là một người nấu ăn tuyệt vời y như các công thức vật lí mà họ tìm ra? Ai vậy, ai có thể nấu ăn ngon? Tôi không chắc là các ông ấy có thể luộc tốt một mớ rau muống, mặc dù tôi đánh giá rất cao khả năng nghiên cứu của họ. Đùa thôi, nấu ăn là cả một nghệ thuật đấy các bạn ạ!
Thực ra, việc biết một chút kiến thức về lý, hóa, sinh thôi là lúc nấu ăn trở nên lợi hại ngay, ít nhất là nó đảm bảo luộc rau rất chuẩn vì bạn sẽ hiểu ngay logic đằng sau mấy nguyên lí rất cơ bản này.
Rau muống là một loại thực phẩm vô cùng hữu ích
Theo wikipedia, rau muống có 92% nước, 3,2% protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloza, 1,3% tro. Hàm lượng muối khoáng cao: canxi, phốtpho, sắt. Vitamin có caroten, vitamin C, vitamin B1, vitamin PP, vitamin B2.
Theo Agarwood, rau muống có tác dụng thần kì:
- Một bó rau tương đương với một viên thuốc sắt: Mặc dù có màu xanh đậm nhưng cọng rau muống lại chứa rất nhiều chất sắt, đặc biệt là ở những phần lá sẫm màu. Lá rau muống đã được chứng minh là giúp cung cấp sắt một cách tự nhiên nhưng vô cùng đầy đủ cho cơ thể. Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em đang tuổi ăn dặm, rau muống còn bổ hơn cả thuốc sắt vì chúng giúp cơ thể tổng hợp chất này một cách hiệu quả nhất. Rau muống rất tốt vì giàu sắt.
- Thần dược cho làn da: Rẻ, bình dân, dễ tìm… nhưng rau muống lại tốt hơn hàng tá loại mỹ phẩm tiền triệu mà chị em ưa dùng. Rau muống có chứa các hợp chất chống oxy hóa cực mạnh, giúp ngăn ngừa các gốc tự do nguy hiểm, vốn là tác nhân gây lão hóa cho da. Rau muống hạn chế các nếp nhăn, sự tác động của tia cực tím lên da, tình trạng cháy nắng… Đối với các bệnh viêm nhiễm như mụn trứng cá, eczema… bạn có thể áp dụng phương cách dân gian là dùng nước luộc rau muống để tắm và rửa các vết ngứa sẽ thấy ngay hiệu quả bất ngờ.
- Đánh bay “ung thư, tim mạch: Nghiên cứu đã chứng minh, trong rau muống có đến 13 loại hợp chất chống oxy hóa khác nhau, có thể hạn chế môi trường sống và tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong rau muống còn chứa vitamin A, C, beta-carotene… có nhiệm vụ thúc đẩy hệ miễn dịch, ngăn ngừa các gốc tự do trong cơ thể. Folate trong rau muống giúp phân giải một loại hóa chất có khả năng gây nguy hiểm là homocysteine, ở mức độ cao có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Khoáng chất magiê trong rau muống giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa bệnh tim. Ăn rau muống thường xuyên còn giúp ngăn ngừa ung thư, tim mạch.
- Nuôi dưỡng đôi mắt long lanh: Một đôi mắt sáng, có hồn luôn khiến tổng thể khuôn mặt thanh thoát hơn bao giờ hết. Đừng quên chăm sóc “cửa sổ tâm hồn” của bạn bằng loại “thuốc bổ” rẻ tiền mang tên rau muống. Rau muống có hàm lượng cao các chất carotenoid, vitamin A và lutein. Những chất dinh dưỡng này rất cần thiết cho sức khỏe của mắt. Nó cũng làm tăng nồng độ glutathione, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể. Bạn sẽ dễ dàng có được một đôi mắt cuốn hút chỉ nhờ ăn rau muống thôi đấy.
- “Cứu tinh” cho những cô nàng “phì nhiêu”: Qua nghiên cứu người ta thấy rằng, trong rau muống dồi dào chất xơ hơn bất kỳ loại rau nào do cấu tạo đặc biệt của nó. Thân và lá của rau muống sẽ cung cấp một lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể, giúp ích rất nhiều cho quá trình giảm cân giữ dáng của phái đẹp. Chất xơ trong rau muống giúp hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế sự hấp thu chất béo gây hại. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc ăn rau muống thường xuyên giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, đồng thời được sử dụng trong điều trị tiểu đường ở phụ nữ mang thai.
Vậy, bạn đã muốn luộc rau muống chưa nào? Rồi phải không? Cùng bắt đầu nhé!
Nguyên liệu để luộc rau muống khá đơn giản
- 300 gram rau muống
- 1,5 lít nước
- Muối biển
Cách sơ chế rau muống trước khi đem chúng đi tắm nước sôi
Bước 1: Nhặt rau.
- Rau sau khi mua về, chúng ta nên loại bỏ những cọng già, lá úa, lá sâu và giữ lại phần thân với phần lá tươi ngon nhất thôi nhé
Bước 2: Rửa rau.
- Rửa rau dưới vòi nước từng cọng một, và một điều an toàn hơn là bạn nên ngâm rau vào một chậu nước lớn trước khi rửa ít phút để loại bỏ bớt một vài loại kí sinh trùng bám ở thân rau.
- Nhiều người cũng cho rằng, nên ngâm rau bằng nước vo gạo vì điều này giúp bạn đánh bật một số thành phần hóa chất còn lưu lại trên rau. Đồng thời cũng nên cho thêm vào đó một chút muối vào đó, muối thực sự rất tốt vì nó giúp diệt một số loại trứng của vi sinh vật bám trên rau của chúng ta.
Các bước để luộc rau đúng cách
Bước 1: Đun sôi 1.5 lít nước
- Không có nhiều thứ phải làm ở bước này cho lắm. Bạn chỉ cần lấy một cái nồi đủ lớn, cho nước vào, bật lửa to và ngồi võng đung đưa chờ cho nước sôi ùng ục là ta chuyển qua bước thứ 2. Chú ý: đừng ngồi võng lâu quá kẻo cạn hết nước nhé!
Bước 2: Cho rau vào nồi
- Sau khi nước sôi đủ 100 độ C. Nhớ là phải đủ 100 độ C nhé. Ta thả rau vào, từ từ thôi, giống như nghe một bài hát ballad vậy.
Bước 3: Mở cái vung ra và đừng quên cho vào đó một vốc muối bằng ngón tay út nhé!
- Không có gì ở phần nội dung này cả!
Bước 4: Chuẩn bị một đôi đũa, đừng cho tay vào nồi vì nước còn rất nóng.
- Ta đảo rau và thử độ chín. Thấy rau chín tới, ta vớt chúng ra rá hoặc bất cứ thứ thứ gì bạn thích. Trải mỏng nó ra cho đỡ bị nhừ. Và, xong rồi đấy!
Các lưu ý khi luộc rau
Thứ nhất, luôn luộc rau trong một nồi nước lớn để rau xanh tươi roi rói.
Điều cần thiết cho một nồi rau luộc chuẩn đó là nước phải sôi và đồng thời đủ nhiều để ngập toàn bộ rau. Cho dù bạn luộc một mớ con con đi chăng nữa thì cũng hãy dùng đầy một nồi nước nóng như chuẩn bị tắm kiểu Tấm Cám nhé. Nghe có vẻ hơi buồn cười, nhưng sự thực thì, lượng nước lớn cộng thêm nhiệt độ sôi ở mức cao nhất tức là 100 độ C thì nhiệt độ nước nó mới không bị tụt đáng kể khi cho rau vào và rau sẽ chín mềm nhanh hơn. Nhiệt độ cao sẽ tiêu hủy enzyme khiến cho rau của bạn trở nên sẫm màu còn nước nhiều nước sẽ làm loãng bớt acid mà rau tiết ra. Acid sẽ khiến cho rau vàng vọt như đồng lúa chín vậy đó.
Thứ hai, khi luộc rau nhớ cho một vốc muối (nhỏ) vào trong nước
Việc cho một lượng muối thích hợp (1/4 thìa cà phê muối trên nửa lít nước luộc) trong lúc luộc rau là một bí kíp thực sự hữu ích. Chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng, rau sẽ chín nhanh hơn và phần rau luộc cũng đậm đà hơn, ngon hơn.
Thứ ba, không đậy vung khi luộc rau
Có nên đậy vung nồi khi luộc rau không là câu hỏi của nhiều người khi nấu ăn.
Một số ý kiến cho rằng đậy vung nồi giữ lại một số dưỡng chất của rau. Tuy nhiên, một số ý kiến khác thì lại cho rằng không nên làm như vậy.
Việc mở vung ra theo đúng về mặt vật lí thì việc luộc sẽ lâu sôi hơn một tí nhưng thường thì “dục tốc bất đạt”. Như đã nói ở trên khi luộc, rau sẽ tiết ra acid một cách tự nhiên. Việc mở nắp vung sẽ khiến cho cái chất khiến rau có màu vàng vọt ấy bay vào không trung. Do vậy, việc mở vung nồi sẽ giúp rau xanh hơn rất nhiều.
Mặt khác, trong tình trạng thực phẩm bị ôi nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, việc mở vung nồi khi nước đang sôi cũng là cách để một phần hóa chất theo hơi nước thoát ra bên ngoài. Bởi vậy, các bạn cứ thoải mái mở vung nồi trong khi luộc rau nhé!
Thứ tư, làm nguội rau thật nhanh sau khi luộc xong
Kể cả bạn có luộc rau chín tới thì nếu chỉ vớt ra đĩa thôi nhiệt độ vẫn đủ nóng để rau nó chín tiếp. Vì thế, trừ khi độ nhai của bạn đang gặp trục trặc thì cứ ăn rau nhừ cho khỏe. Còn nếu không, cứ để một đống rau nóng trên đĩa thì chẳng mấy chốc nó cũng sẽ nát dần theo từng giây đồng hồ trôi qua. Tốt hơn cả là luộc rau xong thì xả qua trong nước lạnh hoặc nước đá để nó dừng ngay quá trình nấu chín lại. Còn nếu bạn sợ rau bị “nhạt” khi ngâm trong nước lọc thì ít nhất cũng nên rải chúng đều trên một cái đĩa lớn thay vì để chúng trồng đống lên nhau nhé!
Cách luộc rau muống kiểu khác
Tạm thời thì mình vẫn chưa nghĩ ra, nhưng nếu bạn có ý tưởng nào hay hơn hãy để lại bình luận dưới bài viết này nhé!
Rau muống sẽ thật tuyệt vời nếu ăn kèm với các món kho, rang, món mặn.
Một ý tưởng tuyệt vời mà có lẽ bạn đã biết thừa, đó là hãy ăn kèm rau muống luộc với kho quẹt, tuy nhiên sườn xào chua ngọt có thể là một sự lựa chọn không tồi cho bạn và cả gia đình.
Rau muống luộc thật dễ làm phải không các bạn. Sẽ thật thú vị nếu bạn làm đúng và thành quả này thật đáng để cho chúng ta thưởng thức…Nếu thấy bài viết này hay và có ý nghĩa thì hãy share nó cho người thân và bạn bè của bạn nhé!