Trong các loại hải sản thì cua biển luôn được lòng thực khách nhất nhờ độ tươi ngọt, chắc thịt và thơm ngon. Nhờ sự lôi cuốn về hương vị và sự đa dạng trong cách chế biến mà dường như cua biển được tận dụng trong rất nhiều món ăn, từ ăn chính đến khai vị.Hôm nay bạn hãy cùng meohaycuocsong.com vào bếp để khám phá cách làm những món ngon từ cua biển các bạn nhé!
Cua biển hay Cua bể là tên gọi chỉ chung cho tất cả các loài cua sống ở môi trường biển hoặc các vùng, vịnh ven biển.
Thành phần dinh dưỡng trong cua biển rất phong phú, hàm lượng protein cao hơn nhiều so với thịt heo hay cá. Ngoài ra canxi, photpho, sắt và các vitamin A, B1, B2, C… cũng chiếm ở mức cao. Cua biển còn chứa một lượng lớn calcium, magnesium và axít béo omega 3, rất tốt cho tim, mạch.
Một số nghiên cứu dinh dưỡng còn ghi nhận cua giúp làm giảm cholesterol xấu và triglycerides trong máu. Thịt cua có vị ngọt, mặn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, sinh huyết, tán ứ, giảm đau, bổ xương tuỷ nên rất tốt cho cơ thể đang phát triển ở trẻ nhỏ và tình trạng suy yếu ở người cao tuổi. Tuy nhiên vì cua có chứa nhiều sodium và purines nên không thích hợp với người cao huyết áp và bị gout. Những người bị cảm gió, sốt, mắc bệnh dạ dày, tiêu chảy cũng không nên ăn.
Mẹo nhỏ chọn cua biển tươi ngon, chắc thịt, nhiều gạch:
1. Mua ở địa điểm, cửa hàng uy tín.
Để mua được những chú cua tươi ngon, vừa ý các bạn nên đến những địa chỉ, nhà hàng bán đồ biển nổi tiếng, uy tín thì sẽ tương đối yên tâm, thế nhưng chắc chắn giá tiền ở những nơi đây sẽ mắc hơn nhiều so với việc mua tại chợ đầu mối hay chợ hải sản. Nếu mua ở chợ các bạn hãy thường mua ở một cửa hàng để trở thành khách hàng “thân quen” nhé, như thế chúng mình có thể nhờ vả người bán hàng chọn trước cho nha .
2. Thời điểm mua cua
Muốn mua cua ngon các bạn nên mua vào đầu tháng hoặc cuối tháng âm lịch nhé, bởi theo kinh nghiệm dân gian thì theo chu kì vào ngày rằm (ngày 15 âm lịch) cua sẽ nhịn ăn để tiến vào thời kỳ lột vỏ nên cua sẽ gầy, ít thịt và óp lắm nhé, thế nên không nên mua vào thời điểm này trong tháng nhé.
3. Quan sát bên ngoài cua.
Khi chọn cua nhìn bên ngoài, nếu thấy lớp vỏ có màu xám đục, dùng tay ấn vào yếm cua thấy rắn chắc, yếm to là cua có nhiều thịt. Không nên chọn cua nhìn que càng và mai trông hơi xanh, ấn tay vào yếm thấy mềm là loại cua mọng nước, xốp, ít thịt, không ngon.Bạn nên chọn con thật tươi, nhìn yếm vẫn còn bám chắc vào thân, chân và càng chuyển động khỏe mạnh, và còn đầy đủ nguyên vẹn, không bị thiếu chân hay càng nào, chân càng linh hoạt, gai trên càng và mai cua vẫn còn sắc nguyên. Và nhớ chọn những nơi bán cua mà dây buộc cua nhỏ mỏng, bằng nilong không thấm nước để đỡ bị hao cân nhé.
4. Chọn cua theo từng loại
Tùy vào từng sở thích riêng, có người thích ăn cua thịt, có người lại thích ăn cua gạch hơn, cách chọn 2 loại cua này cũng có những điểm khác nhau, bạn cần xác định loại cua mà mình muốn mua để chọn nha.
- Chọn cua thịt:
- Muốn ăn cua nhiều thịt thì phải chọn cua đực, cua đực là cua có phần yếm nhỏ, hình tam giác.
- Xem càng: Xem màu lớp da lụa (da non) giữa kẹt khuỷu (cùi chỏ) trên càng cua. Nếu lớp da này màu hồng đỏ hoặc hồng sậm thì cua nhiều thịt. Và bạn cần nhìn kỹ hơn: cua mới bắt thì lớp da này thẳng bóng, đó là cua mập. Ngược lại, cua cũ sẽ ốm do bị rọng lâu ngày, lớp da này nhăn nheo.
- Bóp yếm: Khi bóp yếm cua, nếu bạn cảm thấy cứng tay là cua chắc. Ngược lại, bạn nghe mềm (phập phều) thì cua ít thịt (ốp).
- Bóp phần đầu đùi của que dầm bơi, phía dưới mu: Bóp vừa tay, nếu bạn thấy cua giãy giụa toàn bộ que, càng thì cua còn khỏe (thịt ngon). Ngược lại, cua đã yếu – sắp chết. Bởi trước khi chết khoảng 2 giờ, thịt cua bủn dần – nhiều nước (bán thịt).
- Chọn cua gạch:
- Nếu muốn mua nhiều gạch son thì các bạn phải chọn của cái, cua cái có phần yểm to, chiếm hầu hết bề mặt của phần bụng
- Bạn cần kiểm tra độ đầy và chắc của thịt bằng cách bóp vào mai cua. Mai cua mềm thì chứng tỏ thịt bị ốp, ăn không ngon và gạch cũng không ngon. Các bạn chọn con nào càng chắc càng tốt. Và đặc biệt, bạn nên chọn những con có phần thân màu vàng phèn, đây thường là những con cua chắc thịt.
- Dùng tay đè nhẹ phần khe giữa mai cua và yếm cua. Sau đó bạn nhìn vào để xem, nếu cua gạch nhiều bạn sẽ thấy phần gạch màu đỏ nhiều ở bên trong, còn nhìn vào mà không thấy gì thì tốt nhất là lựa con khác.
Cua biển có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn ,đậm đà ,dễ gây nghiện.
1.Cua biển rang me
Món Cua rang me có vị chua của những trái me quện với vị ngọt của đường, cay cay của ớt, thơm nồng của tỏi và hương thơm đậm đà của những con cua biển làm cho ai cũng phải nhớ tới sau mỗi lần ăn.
Nguyên liệu:
- Cua biển: 1Kg
- Me chua chín: 1/2 bát con
- Tỏi: 4 tép băm nhuyễn
- Hành tây: 1 củ nhỏ đã thái mỏng
- Bột năng: 1 thìa
- Dưa leo: 1 quả
- Các gia vị khác: Đường, hạt tiêu, ớt, hạt nêm…
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Sơ chế Cua
- Cua đem rửa sạch, tách bỏ phần mai, dùng đũa khều nhẹ phần gạch ở mai cua để riêng ra một cái bát nhỏ. Bạn có thể để cua nguyên con, nhưng nếu muốn cua ngấm đều gia vị tốt nhất nên cắt cua làm làm đôi, hoặc làm 4 tùy theo sở thích của từng người.
- Phần càng cua vốn rất cứng vì vậy nên dùng dao hay chày đập hơi dập để các gia vị ngấm đều vào phần thịt trong càng cũng như tránh tình trạng nổ khi chiên.
- Lấy phần cua đã được sơ chế xong cho vào một cái tô lớn, cho thêm một chút hạt nêm và hạt tiêu rắc đều lên phần cua, đảo nhẹ để cua ngấm gia vị, ướp cua trong tô khoảng 30 phút.
- Sau khi cua ướp đã ngấm đều gia vị, bạn bắc chảo lên bếp, cho dầu vào chiên cua. Cua cần được chiên vàng sao cho không quá trắng cũng không bị cháy, sau đó vớt cua ra một cái rổ để ráo mỡ.
Lưu ý cách sơ chế cua biển đơn giản tại nhà:
– Cua biển vỏ cứng thường ở dạng tươi sống nên để sơ chế an toàn và dễ dàng, các bạn nên để nguyên dây buộc (nếu có).
– Ngửa bụng cua lên, dùng dao nhọn hoặc mũi kéo chọc thẳng vào chỗ hõm dưới bụng cua, đến khi chân và càng cua không còn khua nữa.
– Bóc bỏ yếm và bấy giờ mới tháo dây ra khỏi cua và rửa sạch.
– Nếu chế biến các món hấp, luộc thì các bạn để nguyên cua như vậy, cho vào nồi hấp/luộc chín, khi ăn mới tách mai và bóc bỏ phần nang mềm (sẽ giúp cho cua không bị rụng chân trong quá trình hấp/luộc).
– Nếu chế biến các món canh , chiên, sốt thì sau khi rửa cua xong, các bạn tiến hành tách mai và bóc nang mềm luôn rồi mới đem chế biến
Bước 2: Xào Cua cùng nước sốt me
Đây là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình làm món Cua rang me, nước sốt me ngon hay không sẽ quyết định đến độ ngon của món ăn nên bạn cần chú ý hơn.
- Trước tiên cho me vào nước nóng, lấy muỗng đánh nhuyễn, gắp bỏ hết phần hạt, dùng dụng cụ lọc, lọc lấy khoảng 3/4 bát.
- Cho 2 thìa dầu ăn, đổ tỏi vào phi lên, khi tỏi có màu vàng nhạt và thơm thì cho hành tây, nước me cùng với đường và 2 muỗng cà phê hạt nêm vào cùng. Đun hỗn hợp trên đến khi nước me sôi thì cho thêm một chút ớt vào (Lượng ớt nhiều hay ít tùy theo vào sở thích ăn cay của mỗi người).
- Bột năng hòa tan cùng một chút nước, đổ từ từ vào nước sốt để tạo độ sánh, một tay đổ, một tay quấy đều để bột không bị vón cục.
- Nêm nếm lại gia vị một lần nữa, khi thấy các vị chua, cay, mặn, ngọt đã hài hòa thì cho cua vào xóc đều, đun nhỏ lửa 5 – 7 phút là được.
- Phần gạch cua: Cho một chút dầu vào phi thơm tỏi, đổ gạch cua vào, nêm một chút gia vị.
Bước 3: Trình bày
Sau khi món cua rang me đã hoàn tất để trang trí cho món ăn bạn hãy dùng xà lách xếp một lượt xuống dưới, dưa leo xắt lát xếp quanh viền dĩa. Xếp Cua lại thành hình nguyên con, úp mai lên, rưới gạch cua lên trên và rắc thêm một chút rau răm hoặc rau mùi.
2.Cua biển hấp sả
Nguyên liệu:
- Cua biển
- Bia: 1 lon
- Sả tươi, chanh, ớt, mù tạt tùy thích.
- Hành tây, gừng
- Gia vị: Muối, hạt nêm, tiêu xay
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Đây cũng là công đoạn khá quan trọng trong cách làm cua biển hấp sả,bạn nên lấy dao hoặc đũa chọc nhẹ vào phần hõm dưới để cho cua chết thật nhanh, tháo bỏ phần dây buộc,
- Sau đó dùng chiếc vòi nước sạch xịt thật mạnh vào thân mình con cua, sử dụng 1 chiếc bàn chải đánh răng cũ chà sạch sẽ càng và thân cua.
- Sau đó bạn lột bỏ mai, cắt bỏ bớt đi phần đầu của chân cua rồi rửa sạch rồi chặt cua làm hai hoặc tư.
- Hành tây bóc bỏ lớp vỏ lụa rồi thái nhỏ.
- Gừng cạo sạch vỏ rồi rửa sạch, thái chỉ.
- Ớt sừng rửa sạch, thái nhỏ dạng chỉ dài.
Bước 2: Tiến hành hấp cua
Chuẩn bị 1 nồi hấp cách thủy. Xếp cua thành hình nguyên con vào 1 chiếc đĩa sạch có lòng sâu rồi rắc thêm gừng cùng với hành tây + ớt + hành lá thái nhỏ và một thìa hạt nêm + ít hạt tiêu xay lên trên.
Rót bia vào đáy nồi và đậy nắp nồi kín, hấp cua trong vòng 10-15 phút, cua chín chuyển màu vàng gạch, gắp cua ra dĩa, ăn nóng cùng cùng muối ớt tiêu chanh hoặc tương ớt.. Bây giờ chỉ còn dọn ra bàn và chiêu đãi mọi người trong bữa tiệc.
Cua hấp xong thơm mùi bia sả, vì không sử dụng dầu mỡ nên món ăn giữ được vị tươi của cua, lại không gây ngán
Dọn thêm chén muối tiêu chanh để chấm thịt cua.
3. Bún riêu cua biển
Nguyên liệu:
- 1 con cua biển
- 3-4 trái cà chua
- 2 bìa đậu phụ
- 1 viên bún riêu cua
- Hành lá, mùi tàu, húng quế, xà lách, rau chuối
- 1 củ hành tím
- Bún
- Gia vị: Bột canh, hạt nêm, dầu ăn
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Ngâm cua biển trong nước lạnh để cua nhả hết bọt bẩn. Sau đó đun 1 ấm nước sôi rồi dội vào cua, dùng cọ chà vào mai, chân và càng cua rồi rửa lại cho thật sạch
Bước 2:
- Hành tím bóc vỏ, thái mỏng hoặc băm nhỏ.
- Hành lá, mùi tàu, húng quế nhặt và rửa sạch, thái lát mỏng. Xà lách, rau chuối nhặt và rửa sạch, để ráo rồi cho rau ra đĩa
- Cà chua rửa sạch và bổ múi cau.
- Đậu phụ thái miếng rồi đem chiên vàng đều các mặt.
Bước 3: Cho cua vào nồi, đổ nước vào luộc chín (nước luộc sẽ dùng để làm nước dùng). Cua sau khi được làm chín bạn vớt ra lọc lấy thịt và gạch cua.
Bước 4: Bắc chảo lên bếp, làm nóng 1 chút dầu ăn rồi cho hành tím vào phi thơm. Tiếp tục cho thịt cua và gạch cua vào xào. Nêm thêm chút bột canh/muối + hạt nêm. Xào chừng 2 phút bạn trút các nguyên liệu ra bát.
Vẫn chảo đó, bạn cho 2 cafe dầu ăn, thêm cà chua vào đảo mềm rồi cho viên riêu cua vào, xào chừng 2-3 phút thì cho nước luộc cua vào và đun sôi lại. Nêm nếm lại gia vị cho vừa với khẩu vị.
Bước 5: Cho bún ra tô, cho đậu phụ cùng hành lá, mùi tàu, húng quế, thịt cua xào rồi chan nước dùng lên trên. Nếu muốn món bún thêm giòn ngọt, bạn có thể thêm chút rau giá, trộn đều và thưởng thức cùng rau chuối, xà lách.
4. Cháo cua biển
Nguyên liệu:
- Cua biển: 1 kg
- Xương gà: 3 con (bộ)
- Nước lọc: 2 lít
- Gạo ngon: 200 gram
- Cải thảo: 200 gram
- Rau tần ô: 200 gram
- Giá: 200 gram
- Gừng: 30 gram
- Sả cây: 5 nhánh
- Hành lá: 50 gram
- Muối, tiêu, bột ngọt, hành tím, dầu ăn
Quy trình thực hiện:
- Rửa sạch xương gà, trụng nhanh qua nước sôi để loại bỏ tạp chất. Chặt xương gà thành miếng vừa phải.
- Cho nước sạch vào nồi, bật bếp. Khi nước sôi, cho xương gà, hành tím nướng vào nồi. Hầm xương gà với lửa nhỏ khoảng 30 phút. Vớt bỏ xương.
- Lót một lớp khăn giấy lên rây lọc, cho nước hầm gà chảy qua rây, lọc lấy nước dùng. Việc lót thêm khăn giấy khi lọc, giúp bạn loại bỏ hoàn toàn các mảnh xương, thịt vụn.
- Cho nước dùng vào nồi khác, cho gạo vo sạch vào. Hầm cháo với lửa nhỏ. Khi cháo chín, nêm nếm vừa ăn.
- Tách từng bẹ cải thảo và rửa với dòng nước chảy. Tiếp đó, ngâm cải thảo với nước muối pha loãng khoảng 10 phút, thì rửa lại với nước sạch, để ráo, xắt vừa ăn.
- Lặt bỏ phần già của rau tần ô, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 10 phút thì xả lại với nước sạch, để ráo.
- Lặt bỏ phần rễ của giá, ngâm với nước muối pha loãng, xả với nước sạch, để ráo.
5.Súp cua biển
Nguyên liệu:
- 1 con cua biển
- 1 quả trứng gà
- 1 bộ xương ức gà hoặc xương ống lợn
- Nấm đông cô; ngô ngọt; hạt đậu Hà Lan; bột năng; nước; muối; bột nêm, tiêu, rau mùi, hành lá.
Quy trình thực hiện:
- Hầm xương lấy nước dùng.
- Luộc cua biển sau đó gỡ thịt để riêng.
- Lấy phần nước dùng cho vào nồi đun sôi lại, thêm hạt đậu hà lan vào ninh nhừ, tiếp tục thêm nấm đông cô đã ngâm mềm thái mỏng, ngô ngọt thái mỏng hạt vào. Cho bột năng và nước hòa tan bột sau đó chế từ từ từng ít một, vừa chế vừa khuấy đều để bột không bị vón cục, khi thấy nồi súp có độ sánh đặc như ý.
- Đập trứng gà ra bát đánh tan trứng rồi rót từ từ vào nồi súp, vừa rót vừa khuấy đều cho trứng chín, nêm chút muối, bột nêm cho vừa miệng.
- Cuối cùng bạn cho thịt cua vào cùng và khuấy đều, nấu cho nồi súp cua sôi trở lại là tắt bếp.
- Múc súp cua ra tô rồi rắc thêm một chút tiêu đen, rau mùi, hành lá thái nhỏ và trộn đều, dùng súp còn nóng hổi.
6.Miến xào cua biển
Nguyên liệu:
- Cua gạch
- Miến
- Giá đỗ
- Dưa chuột ( để làm dưa góp ăn kèm)
- Hành tây, nấm hương, hành khô, rau thơm, mùi, hành và rau răm.
Quy trình thực hiện:
- Cua mua về, nếu chưa chế biến ngay bạn có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh, cua sẽ ngủ mà không chết đâu. Trước khi chế biến, bạn dùng kéo chọc 2 mắt cua rồi đợi 1 chút, làm như thế cua sẽ không cắp được bạn và lúc luộc hoặc hấp cua sẽ không bị rụng càng ra.
- Dùng bàn chải nhỏ, cọ sạch càng cua và yếm cua. Cho vào nồi luộc hoặc hấp, bạn nhớ giữ lại nước nhé, lúc xào miến sẽ dùng đến.
- Cua chín, gỡ thịt cua ra để riêng.
- Nấm hương rửa qua nước rồi ngâm nở, rửa sạch, bỏ chân, thái chỉ. Nước ngâm nấm bạn chắt bỏ cặn rồi giữ lại nhé.
- Phi thơm hành khô, cho bát thịt cua và nấm đã thái chỉ vào xào. Đổ ra. Cho tiếp miến vào xào, vì miến nở rất nhanh nên để miến chín mềm bạn cho nước luộc cua, nếu thiếu cho thêm nước ngâm nấm cho thơm.
- Sau đó cho tiếp hành tây thái nhỏ và giá đỗ vào xào. Hành và giá chín đổ bát thịt cua đã xào cùng nấm vào đảo đều. Rắc hành và rau răm thái nhỏ, đảo đều, tắt bếp, rắc hạt tiêu, ăn nóng.
7.Cà ri cua biển
Nguyên liệu:
- 1kg cua gạch
- Bột cà ri
- Nước cốt dừa
- 2 trứng vịt
- Dầu ăn
- Dầu hào
- Bột ớt
- Tỏi bằm nhuyễn
- Đầu xã đập dập
- Cà tím thái khúc
- Đậu bắp thái khúc
- Muối + tiêu + chanh
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch con cua biển và cho vào nồi hấp chín. Tách đôi cua làm hai phần, riêng phần càng cua để nước sốt cà ri thấm vào trong thì bạn dùng cán dao đập cho vỏ cua hơi vỡ ra là được.
Bước 2: Bột cà ri pha chung với dầu hào, nước cốt dừa, bột ớt, khuấy đều tạo thành một hỗn hợp hơi sền sệt. Vì món ăn có mùi tanh nên khi pha nước sốt cà ri bạn nhớ pha hơi cay để át đi cái mùi tanh đó.
Bước 3: Đặt chảo lên bếp làm nóng dầu rồi cho cua vào xào đều với tỏi bằm nhuyễn, sau đó cho tiếp trứng vịt đánh loãng và nước sốt cà ri vào. Cho đầu sả đập dập, cà tím và đậu bắp thái khúc vào.
Bước 4: Nấu đến khi nước sốt cà ri sánh lại, thấm đẫm trong từng thớ thịt cua thì tắt bếp.