Các loại mứt Tết là một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực và là món ăn không thể thiếu của mỗi gia đình trong ngày Tết cổ truyền. Mứt Tết không chỉ là món ăn vặt đơn thuần được nhiều người yêu thích, mà mỗi loại mứt Tết đều có ý nghĩa riêng. Mứt Tết mang ý nghĩa cầu mong một năm mới an lành, viên mãn. Khay mứt ngày Tết của mỗi gia đình càng đặc sắc, hấp dẫn, thơm ngon bao nhiêu, báo hiệu một năm mới may mắn, hạnh phúc bấy nhiêu.
Hôm nay, Meohaycuocsong xin chia sẻ cách làm 3 món mứt thần thánh cực kì tâm đắc. Mứt dưa hấu vô cùng đẹp mắt và lạ miệng. Món mứt vỏ cam thơm ngon, dẻo ngọt và mứt dừa viên ngọt bùi để vài tháng cũng không bị chảy nước. 3 món mứt này cực kỳ hút khách. Các bạn nên làm nhiều một chút để tránh tình trạng ”cháy hàng” ngày Tết nhé.
1. MỨT DƯA HẤU
Dưa hấu là loại quả quá quen thuộc trong cuộc sống người dân Việt. Dưa hấu cũng được xuất hiện trong mâm ngũ quả của mỗi nhà trong dịp Tết cổ truyền cùng với bánh chưng, hoa đào, bánh kẹo… Thế nhưng ít ai nghĩ rằng dưa hấu cũng có thể làm mứt. Tết nay, hãy cùng làm loại mứt vô cùng mới lạ và đặc biệt này, loại mứt mà trước đó rất ít người đã từng làm: Mứt dưa hấu.
Ruột dưa hấu có màu đỏ đặc trưng và cũng chính là màu đại diện cho sự may mắn mà mọi người đều mong muốn hướng đến mỗi dịp đầu năm mới. Cùi dưa hấu trắng tinh, giòn tan cùng với lớp vỏ xanh mát dai dai lạ miệng. Hứa hẹn đây sẽ là món mứt hấp dẫn mỗi vị khách tới nhà bạn chúc Tết. Dù là ai cũng khó kìm lòng được mà muốn nếm thử ngay món mứt lạ miệng, lạ mắt này. Mứt dưa hấu có vị ngọt thanh, dịu nhẹ sẽ làm vừa lòng cả những vị khách vô cùng khó tính.
Mứt dưa hấu vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng. Tuy là món mới lạ nhưng lại không hề khó làm một chút nào. Chỉ cần đặt tâm huyết vào món mứt này, chắc chắn bạn sẽ có một khay mứt đón khách tuyệt vời, không phí công sức bỏ ra chút nào. Còn chần chừ gì nữa mà không thử ngay!
Nguyên liệu làm mứt dưa hấu
- Dưa hấu: 1/2 quả. Dưa hấu bạn nên chọn loại quả có vỏ dày và hơi non một chút sẽ dễ làm hơn và khi ăn sẽ ngon hơ. Không nên chọn quả chín già, vỏ mỏng.
- Nước vôi trong: đủ để ngâm dưa
- Phèn chua: 1 thìa cơm
- Đường: 1/2 kg
- Vani: 1 ống
Cách làm mứt dưa hấu
Bước 1: Xử lý dưa hấu
Bạn đem rửa sạch vỏ, sau đó sắt miếng hình con chì hoặc miếng vừa ăn theo các hình thù khác nhau mà bạn thích.
Sau khi cắt miếng, bạn đem dưa hấu ngâm với nước vôi trong khoảng 1 ngày đêm để dưa cứng hơn. Như vậy sẽ dễ làm hơn mà dưa không bị nát. Bạn rửa lại dưa với nước lọc thật nhẹ nhàng đến khi dưa hấu hết mùi vôi mới được.
Bắc bếp, cho nước và phèn chua vào đun sôi. Tỉ lệ pha nước 2 lít nước : 1 thìa cơm phèn chua. Bạn nhớ đun nước sôi già, sau đó cho dưa vào trần trong khoảng 30 giây.
Sau khi trần xong, bạn đem dưa hấu đi rửa tiếp. Rửa đi rửa lại nhiều lần cho đến khi bạn nếm thử thấy hết vị chua của phèn là được.
Cho dưa vào rổ rồi đem ra phơi nắng trong khoảng 4 tiếng. Nếu không có nắng bạn đem dưa hong gió cho đến khi miếng dưa hơi quắt lại và ra bớt nước.
Bước 2: Ướp đường với dưa hấu
Sau khi đem dưa phơi nắng xong, dưa đã khô vừa đủ. Bạn đem ướp dưa hấu với đường theo tỉ lệ 500gram đường với 1kg dưa hấu. Ướp đến khi đường tan hết. Tuỳ sở thích mà bạn có thể gia giảm lượng đường cho phù hợp với khẩu vị.
Bước 3: Sên mứt
Bắc bếp, cho dưa vào chảo sên với lửa nhỏ để dưa tiếp tục ra nước. Bạn chỉ cho dưa vào sên, phần nước đường để lại. Khi dưa ra nước, bạn đổ phần nước này đi.
Rồi cho phần nước đường vào sên với lửa thật nhỏ. Đảo đều và nhẹ tay cho đến khi đường kết tinh thì cho thêm vani vào, tiếp tục sên đến khi khô hẳn. Cho mứt vào ngăn mát tủ lạnh để mứt rắn hơn một chút là có thể ăn được.
2. MỨT VỎ CAM
Vỏ cam là một loại thực phẩm vô cùng có lợi cho sức khoẻ. Vỏ cam giúp phòng chống và điều trị chứng cảm lạnh và ho, ngạt mũi, đau họng thông thường. Nó còn giúp đánh bay hơi thở có mùi, chữa trị hôi miệng nhanh chóng và tiện lợi. Trong thành phần của vỏ cam có d-limonene giúp ngăn ngừa sự phát triển của khối u ác tính. Đồng thời cũng giúp chống nắng cho da rất hiệu quả. Ngoài ra, vỏ cam còn có tác dụng làm sạch thành ruột, loại bỏ các chất độc hiệu quả. Vỏ cam là loại thực phẩm thiên nhiên rất an toàn và lành tính.
Vỏ cam có công dụng tuyệt vời như vậy nhưng để ăn trực tiếp thì không phải đơn giản. Năm nay, bạn hãy biến tấu vỏ cam thành một món mứt lạ miệng nhưng bổ dưỡng. Mứt vỏ cam có vị thơm ngon, ngọt dẻo như kẹo cam. Vừa dễ ăn vì đã khử được vị the, lại rất tốt cho sức khoẻ. Hãy làm cho khay mứt ngày Tết nhà bạn đa dạng hơn với món mứt vỏ cam bổ ích này nhé.
Nguyên liệu làm mứt vỏ cam
- Vỏ cam: Bạn nên chọn loại cam có vỏ dày thì mứt thành phẩm sẽ dẻo và ngon hơn khi làm cam vỏ mỏng. Khuyên bạn nên mua cam Hà Giang, loại này có vỏ dày làm sẽ ngon hơn. Bạn nhớ chọn loại cam có vỏ đẹp, không bị nám nhé. Nếu chọn phải cam bị nám sẽ vất vả hơn trong khâu làm mứt vì phải cắt bỏ vết nám đi.
- Đường : chuẩn bị đường theo tỉ lệ 500gram đường: 0,5kg vỏ cam.
- Rượu trái cây hoặc nước cốt cam tươi.
Cách làm mứt vỏ cam thơm ngon, bổ dưỡng
Bước 1: Xử lý vỏ cam
Bạn đem rửa sạch vỏ cam, rồi cắt miếng theo hình sợi to. Không nên cắt mỏng quá, mứt sẽ không được dẻo. Đun sôi già một nồi nước rồi tắt bếp, cho vỏ cam vào ủ tầm 30 phút, rồi vớt ra vắt nhẹ. Vắt và rửa sạch với nước từ 4-5 lần cho hết vị the. Nếu chưa hết vị the lặp lại thêm lần nữa công đoạn trên. Hoặc bạn có thể ngâm vỏ cam với nước muối để qua đêm và khử mặn nếu có dư thời gian.
Khử vị the xong, bạn đem vỏ cam ra phơi hoặc hong gió khoảng 2-3 tiếng cho vỏ cam ráo nước.
Bước 2: Ướp đường
Khi vỏ cam đã ráo nước, ta bắt đầu ướp đường. Ướp theo tỉ lệ 1 kg đường : 1 kg vỏ cam, hoặc gia giảm tuỳ khẩu vị và sở thích. Ướp qua đêm cho vỏ cam ngấm đường.
Bước 3: Sên mứt
Sau khi ướp đường, chắt lấy phần nước đường cho lên chảo đun với lửa vừa đến khi phần đường sánh lại. Bạn cho thêm một ít rượu hoa quả hoặc nước cốt cam vào. Như vậy mứt vỏ cam sẽ có mùi thơm đặc trưng của cam. Cuối cùng cho vỏ cam vào sên với lửa nhỏ đến khi đường kết tinh lại và vỏ cam khô hẳn là được.
Thành quả là món mứt vỏ cam dẻo, ngọt và thơm y như viên kẹo cam vậy.
3. MỨT DỪA VIÊN LÁ DỨA
Mứt dừa trong ngày Tết mang ý nghĩa gia đình quây quần, sum họp vui vẻ hạnh phúc. Mứt dừa có vị thơm mát, ngon ngọt là món ăn được nhiều người ưa thích và rất tốt cho sức khoẻ
Trong dừa có chứa nhiều enzym tốt cho hệ tiêu hoá. Mứt dừa có tác dụng nhuận tràng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Giúp điều trị các chứng đầy bụng, khó tiêu, chữa trị táo bón rất hiệu quả. Món ăn này cũng rất có lợi cho những người bị huyết áp cao hoặc mắc các bệnh về tim mạch. Ngoài ra, món mứt này còn có tác dụng tích cực trong việc thanh lọc, giải nhiệt cho cơ thể, ngăn ngừa mụn nhọt.
Mứt dừa là món mứt rất được ưa chuộng trong mỗi gia đình Việt vào dịp Tết âm lịch cổ truyền. Chỉ cần bỏ chút thời gian là các bà nội trợ đã có đĩa mứt dừa thơm ngon, ngọt bùi cho gia đình hoặc đãi khách ngày Tết. Làm mứt dừa rất đơn giản mà lại an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta cùng bắt tay vào thực hiện nhé.
Nguyên liệu làm món mứt dừa viên lá dứa
- 1kg dừa bánh tẻ. Để món mứt dừa được ngon, mềm, các bạn nên chọn loại dừa bánh tẻ, không quá non, không quá già. Vỏ ngoài quả dừa có màu trắng hoặc nâu nhạt. Không nên lựa quả dừa có vỏ ngoài màu nâu đen.
- 500 gram đường
- 1 bó lá dứa ( lá nếp)
Cách làm mứt dừa viên lá dứa
Bước 1: Xử lý dừa
Dừa mua về bạn đem rửa sạch, cắt miếng dừa thành hình vuông hoặc các hình thù tuỳ sở thích. Không nên cắt miếng quá to, sẽ khó khử hết dầu trong miếng dừa. Rửa đi rửa lại thật nhiều lần với nước sạch cho đến khi nước trở nên trong. Làm như vậy để khử dầu trong miếng dừa.
Sau đó đun sôi già một nồi nước. Rồi thả dừa vào, đun sôi tiếp 5-10 phút. Đây cũng là một bước để khủ kỹ dầu dừa trong dừa và làm cho dừa mềm hơn.
Tiếp theo, vớt dừa ra và lại tiếp tục rửa nhiều lần với nước cho đến khi nước trong. Để dừa ráo nước.
Bước 2: Làm tinh chất lá dứa
Lá dứa say nhuyễn với 1 chút nước rồi lọc bỏ bã. Để nước cốt là dứa vào tủ lạnh, để qua đêm cho tinh lá dứa lắng xuống. Khi dùng đổ bỏ phần nước trong bên trên đi và dùng tinh lá dứa để tạo màu cho dừa.
Bước 3: Ướp dừa
Sau khi dừa ráo nước thì ướp 500g đường với 1kg dừa. Cho thêm tinh lá dứa vào. Ướp đến khi đường tan hết hoặc ướp để qua đêm để đường tan và ngấm vào dừa.
Bước 4: Sên mứt
Dùng chảo dày, lòng rộng, đổ nước đường vào đun với lửa vừa. Đun đến khi nước đường sánh lại thì cho bé lửa và cho dừa vào đảo liên tục, đảo đều tay.
Đến khi dừa và đường gần kết tinh thì thêm phần tinh lá dứa còn lại vào. Đảo tiếp đến khi đường khô hết, bám quanh miếng dừa thành lớp phấn trắng mịn là được. Muốn dừa để lâu, bạn đun thêm 5 phút cho khô hẳn để dừa không bị chảy nước là được.
Như vậy, Meohaycuocsong.com đã hướng dẫn bạn làm 3 món mứt thần thánh tiếp đãi khách ngày Tết cực kỳ đơn giản dễ làm, chúc các bạn thành công.
507 views