Thịt vịt là nguyên liệu chính của rất nhiều món ăn. Và ở mỗi vùng miền, mỗi món ăn đó lại mang những đặc trưng và tên gọi khác nhau tùy. Ví dụ như miền Bắc có vịt nướng lá mắc mật, vịt om sấu, vịt luộc chấm nước mắm gừng hay vịt nấu măng; thì khi đi vào tới miền Nam, ta có vịt nấu lá giang, vịt quay, vịt tiềm hạt sen.
Bài viết hôm nay muốn đề cập đến một món ăn cũng được chế biến từ vịt, đó là vịt nấu chao. Đây được xem là một món ăn mang đậm chất miền Tây Nam bộ. Vịt nấu chao không chỉ phổ biến ở miền Tây mà còn được ưa chuộng ở nhiều nơi bởi sự hòa trộn hoàn hảo của cay, mặn, chua, ngọt cùng mùi vị béo, bùi đặc trưng của chao.
Hãy làm theo những hướng dẫn đơn giản dưới đây, đảm bảo bạn sẽ có ngay một nồi vịt nấu chao nóng hổi vừa thổi vừa ăn cùng gia đình và bạn bè mình đấy!
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- 1/2 con vịt
- 1 hủ chao trắng
- 300g khoai môn
- Rau muống, bún (ăn kèm)
- 1 quả dừa tươi
- 1 muỗng canh rượu trắng
- Gia vị: muối, đường, tiêu, nước mắm, bột nêm
- 1 nhánh gừng
- 1 bó hành lá
- 1 quả chanh
- 3-4 củ hành, tỏi, ớt
Cách nấu vịt nấu chao:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bạn lặt rau muống, rửa sạch với nước rồi để ráo.
- Ớt, hành, tỏi bóc vỏ rửa qua nước, băm nhỏ.
- Dừa chặt ra lấy nước đổ vào tô sạch.
- Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ.
- Chanh vắt lấy nước, bỏ hạt.
- Gừng gọt vỏ, thái nhỏ.
- Khoai môn gọt vỏ, rửa kĩ với nước. bạn nên đeo bao tay khi gọt vỏ để tránh bị ngứa tay. Bạn cắt miếng vừa ăn.
- Sau cùng là vịt, bạn rửa thật sạch sẽ rồi chặt miếng vừa ăn. Cho vịt vào một cái xoong, đổ 1 muỗng canh rượu trắng + ½ gừng băm vào cùng. Trộn đều lên, ướp tầm 15-20 phút để khử mùi hôi của vịt.
- Ướp xong bạn rửa vịt qua nước cho hết mùi rượu.
Bước 2: Nấu vịt
- Sau khi rửa sạch thịt vịt, bạn ướt thịt với 1/2 hủ chao + 3 muỗng cà phê nước mắm + 1 muỗng cà phê (đường, tiêu, bột nêm, muối) + ½ hành, tỏi băm. Trộn đều và ướp khoảng 2 tiếng cho thịt thấm gia vị. Bạn có thể để thịt vịt trong ngăn mát tủ lạnh, làm như vậy thịt thấm gia vị nhanh, khi nấu thịt sẽ thơm ngon hơn.
- Bạn dùng một cái nồi có kích thước lớn một chút để nấu cho thoải mái. Đặt nồi lên bếp, đổ 2-3 muỗng dầu ăn vào rồi khử dầu bằng 1 chút tỏi. Sau đó bạn cho thịt vịt đã được ướp gia vị vào, đảo đều. Lúc này bạn chỉnh lửa lớn hơn tầm 5 phút, sau đó hạ lửa nhỏ lại và nấu thịt vịt khoảng 20 phút.
- Sau 20 phút, bạn đổ nước dừa tươi cùng khoai môn vào nồi thịt vịt, đảo đều. Đợi cho nồi thịt sôi lên thì bạn nêm nếm thêm gia vị theo ý thích của mình. Đồng thời, bạn dùng đũa kiểm tra xem khoai môn đã mềm chưa, nếu chưa mềm thì nấu thêm vài phút nữa đến khi khoai chín mềm là được. Nếu bạn thích ăn hành thì có thể thêm hành vào nhé.
Bước 3: Làm nước chấm
- Bạn lấy một chén sứ nhỏ, cho nửa hủ chao còn lại vào ( bạn có thể dùng nhiều chao hơn cho hợp với khẩu vị của mình), thêm 2 muỗng cà phê đường + nước cốt chanh + tỏi, ớt băm + gừng vào cùng rồi trộn đều.
Bước 4: Thưởng thức vịt nấu chao
- Sau khi tắt bếp, bạn múc thịt vịt nấu chao ra tô, chuẩn bị một dĩa bún, một rổ rau muống để ăn kèm (ngoài rau muống, bạn có thể ăn cùng với những loại rau khác nếu thích).
- Vịt nấu chao sẽ ngon hơn khi ăn nóng, do đó bạn có thể đặt nồi vịt trên bếp gas mini hoặc bếp từ, chỉnh lửa/nhiệt thấp để duy trì độ nóng cho nồi vịt (giống như cách chúng ta hay ăn lẩu). Bạn múc vịt ra chén có sẵn bún, thêm một chút nước chấm, nhúng rau muống vào nồi cho chín tái bỏ vào chén rồi thưởng thức. Bạn sẽ cảm nhận được sự kết hợp đặc biệt giữa các nguyên liệu với nhau.
Chắc hẳn sẽ có một số bạn không quen với mùi vị của chao và cảm thấy khó ăn nhưng nếu bạn ăn cùng với món vịt nấu chao này thì có lẽ bạn sẽ nghiện nó đấy!
Lưu ý về món vịt nấu chao:
– Khi chọn vịt, bạn nên chọn vịt xiêm hay vịt cỏ vì thịt mềm nhưng chắc, ít mỡ. Nếu bạn mua vịt làm sẵn, nên lựa vịt có da vàng đẹp, ức đầy.
– Bên cạnh cách dùng rượu trắng để khử mùi của vịt, bạn có thể dùng chanh hoặc muối và giấm. Cách này cũng rất hiệu quả.
– Chao có vị mặn khá đậm nên trong quá trình nấu bạn nên chú ý điều chỉnh gia vị các gia vị khác cho vừa với khẩu vị.
– Nếu không thích chao trắng, bạn dùng chao đỏ thay thế cũng được. Chao đỏ sẽ làm cho nước dùng lên màu đẹp hơn.
– Theo kinh nghiệm dân gian, vịt nấu chao là sự kết hợp hài hòa giữa âm-tính hàn (thịt vịt) và dương-tính nhiệt (rượu, gừng, tiêu, ớt). Do đó món ăn này rất bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.
– Vịt nấu chao ăn cùng với bún hoặc cơm nóng đều rất ngon.
Hy vọng sau khi thức hiện theo các bước hướng dẫn trên, bạn sẽ có được món vịt nấu chao vừa ý để chiêu đãi gia đình. Và nếu có thời gian, bạn hãy tham khảo thêm công thức nấu gà rô-ti nữa nhé. Chúc các bạn thành công!